LLVT Quân khu 9: Tích cực, chủ động ứng phó với các sự cố thiên tai, cứu hộ-cứu nạn
Những năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu, các yếu tố an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết 689 ngày 10-10-2014 của Quân ủy Trung ương, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 9 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện, hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ-cứu nạn (CHCN) góp phần giảm thiểu thiệt hại, ứng cứu kịp thời, hoàn thành tốt 'nhiệm vụ chiến đấu' thời bình.
Huấn luyện kỹ, chủ động ứng phó các tình huống
Chứng kiến buổi luyện tập tình huống giả định có một nhóm người trôi dạt và phương tiện bị chìm đắm trên sông khi nước sông dâng cao, chảy xiết của Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 962 (Quân khu 9), chúng tôi mới thấy hết được sự khó khăn và nguy hiểm mà cán bộ, chiến sĩ phải đối mặt. Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo đơn vị luyện tập, Đại tá Huỳnh Văn Hơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 962 chia sẻ: “Huấn luyện phòng, chống lụt bão, CHCN đòi hỏi phải tiến hành tỉ mỉ, công phu từ xây dựng, quản lý chương trình huấn luyện đến tổ chức thực hiện. Do đó, ngoài yêu cầu phải có sức khỏe dẻo dai và kỹ thuật bơi lội tốt, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh công tác quán triệt, giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, tâm lý nghề nghiệp, ý thức độc lập, tự chủ, tự cường, khắc phục khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ. Nhờ kết hợp chặt chẽ các biện pháp, những năm qua, Lữ đoàn đã tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục nhiều sự cố do sạt lở, chữa cháy, di dời tài sản, nhà cửa, lai kéo tàu bị trôi dạt, bị chìm trên sông”.
Bám sát phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 9 đã chủ động xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (TKCN), nhất là thời điểm mưa bão kéo dài. Việc tổ chức huấn luyện, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác CHCN được tiến hành thường xuyên, liên tục. Hằng năm, trên cơ sở kế hoạch huấn luyện chiến đấu, chỉ huy các cấp xác định mục tiêu, yêu cầu, phương pháp, nội dung huấn luyện CHCN phổ thông cho các phân đội bảo đảm chặt chẽ, đúng đủ chương trình, thời gian quy định. Kết quả kiểm tra, 100% đạt yêu cầu trở lên, trong đó có hơn 80% khá, giỏi. Các địa phương hoàn thành tốt các cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai, TKCN và phòng thủ dân sự... qua đó giúp nâng cao trình độ tổ chức, hiệp đồng của các lực lượng trong xử trí tình huống.
Là lực lượng bán chuyên trách của Quân khu 9, được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ CHCN, Lữ đoàn Công binh 25 luôn quán triệt tư tưởng chỉ đạo “tích cực, khẩn trương, quyết liệt, kiên cường” xuyên suốt trong quá trình huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ CHCN. “Để khai thác, sử dụng hiệu quả các loại trang bị, khí tài, đơn vị đã chủ động biên soạn các tài liệu về tính năng, công dụng và thông số kỹ thuật của từng loại. Trên cơ sở đó, chúng tôi tổ chức huấn luyện theo từng phương án, tình huống cụ thể. Nhờ thuần thục kỹ năng thao tác, xử trí tình huống nhạy bén nên những năm qua, đơn vị luôn sẵn sàng cơ động và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi điều kiện, tình huống”, Đại tá Vi Đức Hân, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 25 khẳng định.
Còn theo Đại tá Nguyễn Hữu Cương, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Hiện nay, 100% Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, TKCN các cấp được kiện toàn; công tác huấn luyện, phối hợp giữa LLVT tỉnh với các đơn vị đứng chân trên địa bàn được thực hiện chặt chẽ. Khi có tình huống xảy ra, chúng tôi kịp thời chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, điều động lực lượng, phương tiện cơ động ứng phó, khắc phục”.
Gắn với lập quy hoạch và xây dựng đề án
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 689 và Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp lồng ghép công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, CHCN gắn với lập quy hoạch, xây dựng đề án phát triển kinh tế-xã hội như: Các tuyến đường, đê ven biển; khu neo đậu tàu thuyền tránh bão; dự án trồng rừng ven biển, hệ thống dự báo khí tượng, thủy văn... Đại tá Võ Văn Hội, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bến Tre cho biết: “Trong những năm qua, việc xâm nhập mặn thường xuyên tăng cao, đến nay, toàn tỉnh đã bố trí 117 điểm đo độ mặn nhằm chủ động theo dõi diễn biến, tình hình xâm nhập mặn. Các địa phương cũng đã đầu tư hơn 118 tỷ đồng để xây dựng cống ngăn mặn, nạo vét kênh mương nội đồng, gia cố đê bao bảo đảm khai thác hiệu quả công trình thủy lợi, trục dẫn ngọt, hồ chứa phục vụ trữ ngọt”.
Với địa thế 3 mặt giáp biển, tạo điều kiện thuận lợi cho Cà Mau phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân gây sạt lở 4.279km đê biển, 237 vụ sụt lún trong 10 năm qua làm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân địa phương. “Hiện tỉnh Cà Mau đã xây dựng, hoàn thành hơn 56,7km tuyến kè ven biển với tổng kinh phí 1.848 tỷ đồng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai hoàn thiện 31,2km kè bảo vệ những đoạn ven biển có nguy cơ sạt lở cao. Thực tế cho thấy, công trình kè ven biển đã phát huy hiệu quả, giúp hạn chế tác động sóng biển, chống sạt lở; tạo bãi bồi, khôi phục thảm rừng tái sinh”, Đại tá Lý Văn Giúp, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Cà Mau thông tin.
Song song đó, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng thường xuyên tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình sự cố, thiên tai; điều chỉnh bố trí dân cư, công trình vượt lũ, chống ngập; xây dựng phương án an toàn cho các công trình thủy lợi; nghiên cứu xây dựng kế hoạch hoàn thiện cơ chế tổ chức, điều hành khi có sự cố thiên tai xảy ra; di dân ra khỏi vùng nguy hiểm... Chia sẻ về biện pháp chủ động phòng, chống triều cường, sạt lở, Đại tá Phạm Ngọc Quang, Chính ủy Bộ CHQS TP Cần Thơ cho biết: “Những năm gần đây, triều cường dâng cao đã làm cho nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố ngập sâu. Để chủ động ứng phó, LLVT thành phố đã tổ chức rà soát, bổ sung, xây dựng phương án di dời, sơ tán người dân và tài sản. Ngoài ra, LLVT thành phố đã phối hợp với các lực lượng khác tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, cắm bảng cảnh báo nguy hiểm tại các tuyến đường, ao hồ ngập sâu; gia cố hệ thống đê bao ngăn lũ; tăng cường kiểm tra, vận hành các van ngăn triều cường; phát huy tốt vai trò đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã... nhờ đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân”.
Trung tướng Nguyễn Xuân Dắt, Tư lệnh Quân khu 9 khẳng định: “Từ những kết quả đạt được cũng như kinh nghiệm rút ra, Đảng ủy Quân khu 9 tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết của các cấp về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Kiện toàn lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, thảm họa, CHCN các cấp; nâng cao chất lượng nội dung chương trình tập huấn, huấn luyện CHCN; đồng thời thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, phát huy mọi nguồn lực, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, ứng phó kịp thời, có hiệu quả ngay từ cơ sở và bảo đảm an toàn tuyệt đối khi có sự cố xảy ra”.
Box: Từ năm 2014 đến nay, các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu 9 đã huy động hơn 167.000 lượt bộ đội, dân quân và hơn 4.200 lượt phương tiện, trang thiết bị các loại tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; xử lý hiệu quả nhiều vụ, cứu được 243 người bị tai nạn; phối hợp lực lượng kêu gọi, hướng dẫn hơn 14.600 tàu, thuyền và hàng nghìn ngư dân tránh trú an toàn; hỗ trợ di dời hơn 124.500 hộ dân; gia cố, chằng chống 186.979 căn nhà, 11,6km đê bao. Riêng, trong đại dịch Covid-19, Quân khu đã điều động 17.393 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia cùng các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống dịch; tiếp nhận 134 chuyến bay với hơn 27.000 người qua Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; vận chuyển bàn giao hơn 28 triệu liều vaccine an toàn.