LLVT tỉnh Bắc Ninh: Viết tiếp trang sử anh hùng

Bắc Ninh, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi có nền văn hóa rực rỡ với di tích Luy Lâu, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, đền thờ các vị vua triều Lý... và đặc biệt là Hội Lim. Nhân dân Bắc Ninh có truyền thống yêu nước, tự tôn, tự hào dân tộc và quyết không chịu làm nô lệ. Phát huy lịch sử, truyền thống cha ông, những năm qua, LLVT tỉnh Bắc Ninh không ngừng bồi đắp lý tưởng, niềm tin cách mạng, tự lực, tự cường, góp phần quan trọng vào giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng cấp ủy, chính quyền, tạo điểm tựa để phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương, đất nước.

Trong những trang vàng lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Bắc Ninh, ngay từ giai đoạn đầu đã xuất hiện những cán bộ tiền bối, như: Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt và sau đó là Lê Quang Đạo, nguyên Chủ tịch Quốc hội...

Trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước, LLVT tỉnh đã phát triển lớn mạnh, cùng với nhân dân tổ chức đánh 4.980 trận, tiêu diệt hơn 16.400 tên địch, làm bị thương gần 4.800 tên, bắn rơi 162 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, phá hủy và thu nhiều phương tiện chiến tranh... góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên những chiến công hiển hách, giải phóng và thống nhất đất nước.

Nhắc đến phong trào đấu tranh cách mạng ở Bắc Ninh là nhắc đến câu chuyện thanh niên các làng ở Bắc Ninh đêm đêm luyện võ, đấu vật dưới ánh trăng để chờ thời cơ giành chính quyền vào ngày 19-8-1945. Rồi chuyện nhân dân Bắc Ninh hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-12-1946) bằng biện pháp “vườn không, nhà trống”, lập làng, lập xã kháng chiến, chống quân xâm lược... Đặc biệt, Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng gây cho giặc Pháp những vố đau điếng vẫn còn tiếng vang mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội hiện nay.

 Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Bắc Ninh tham quan nhà truyền thống. Ảnh: VĂN HÙNG

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Bắc Ninh tham quan nhà truyền thống. Ảnh: VĂN HÙNG

Một lần tham gia hội thảo về chiến tranh cách mạng, từ câu chuyện của một vị tướng kể lại, tôi càng thêm tự hào về truyền thống hào hùng của LLVT và nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Đó là, nhờ sự che chở, đùm bọc của nhân dân, đại đội LLVT của tỉnh đứng chân ở vùng địch tạm chiếm đã tác chiến hiệu quả, lập nhiều thành tích, vinh dự được báo cáo với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Cơ sở này giúp Đại tướng hình thành ý tưởng “đại đội phân tán, tiểu đoàn tập trung”, biến những vùng địch tạm chiếm thành chiến trường, khiến địch bị động phân tán. Từ cuối năm 1947, khi được Trung ương nhất trí, áp dụng vào thực tiễn đã thu được hiệu quả. Phương châm “đại đội phân tán, tiểu đoàn tập trung” trở thành nét nghệ thuật quân sự đặc sắc.

Để có hòa bình và cuộc sống ổn định, phát triển như hiện nay, nhân dân, LLVT Bắc Ninh đã trải qua thời khắc khó khăn, gian khổ và nhiều hy sinh, mất mát. Lịch sử LLVT tỉnh ghi lại trường hợp hy sinh của Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã Hạp Lĩnh (nay là phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh) Nguyễn Văn Tịch. Ông sinh năm 1913. Năm 1950, ông bị giặc Pháp bắt, chúng tra tấn dã man, nhưng không nhận được thông tin về du kích và súng đạn. Chúng bắt ông quỳ xuống, nhưng ông nhất quyết không chịu nhục. Rồi lính Pháp đứng hai bên giữ chặt tay ông. Tên thứ ba đi ra trước mặt ông và đưa nòng súng vào trong miệng, bóp cò. Ông đã hy sinh anh dũng ngày 25-3-1950, tại làng Xuân Hội, huyện Tiên Du, cách nơi ông sinh ra và lớn lên chỉ hơn một ki-lô-mét đường chim bay.

Còn ở Thuận Thành cũng xuất hiện những anh hùng bất khuất. Đó là trường hợp của hai anh em ruột Nguyễn Bá Chất, Thư ký Ủy ban Kháng chiến hành chính và Nguyễn Bá Hiền, du kích xã Trí Quả. Cả hai đều bị giặc pháp giết hại. Riêng đồng chí Chất thì bị giặc Pháp bắt, tra tấn rồi cắt cổ, ném xuống ao để thị uy. Phải đêm tối, khi chúng rút, nhân dân địa phương mới đưa thi thể đồng chí về an táng.

Bước ra từ hai cuộc kháng chiến chưa được bao lâu, cũng như các địa phương của cả nước, LLVT tỉnh Bắc Ninh tập trung vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. LLVT tỉnh đã thành lập nhiều đơn vị mới để huấn luyện chiến sĩ bổ sung cho các đơn vị, đồng thời trực tiếp tham gia chiến đấu tại hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. LLVT tỉnh đã huy động hơn 32.480 dân quân tự vệ, đào đắp được hơn 734.380m giao thông hào, 9.062 hố chiến đấu cá nhân, 2.241 hầm các loại. Sử dụng các phương tiện vận chuyển 112 tấn quân trang, lương thực, thực phẩm; 342 tấn vũ khí; hơn 3.000 quả mìn; cấp gần 1.000 tấn xăng dầu cho các đơn vị làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, góp phần quan trọng cùng quân và dân các tỉnh chiến đấu giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc.

 Bộ CHQS tỉnh Bắc Ninh đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì tặng. Ảnh VĂN HÙNG

Bộ CHQS tỉnh Bắc Ninh đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì tặng. Ảnh VĂN HÙNG

Lịch sử đã lùi xa, dù nước ta hiện đang mở cửa, hợp tác với nhiều nước trên thế giới để phát triển kinh tế nhưng những đau thương mất mát và chiến công của thế hệ đi trước vẫn phải được nhắc lại. Đó là bài học vô giá về giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Qua đây cũng thấy việc bồi dưỡng, phát huy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của các thế hệ là quan trọng và cấp thiết.

Tự hào về truyền thống quê hương Kinh Bắc giàu bản sắc văn hóa và lịch sử đấu tranh cách mạng hiển hách, những năm qua, nhất là từ khi tái lập tỉnh, LLVT tỉnh Bắc Ninh đã không ngừng phát huy nội lực để phát triển, lớn mạnh. Bộ đội thường trực, các lực lượng dự bị động viên và đơn vị dân quân tự vệ luôn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc. LLVT tỉnh đã tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương; phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.

LLVT tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về quốc phòng; nâng cao chất lượng huấn luyện, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng diễn tập các cấp theo hướng hiệu quả, an toàn, tiết kiệm. Công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật được quan tâm thực hiện; 100% các cơ quan, đơn vị có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú. Đặc biệt, năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, các cơ quan, đơn vị đã phát huy tính tích cực, chủ động hướng tới hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc... Có thể nói, những biện pháp cơ bản đó đã góp phần nâng cao chất lượng, sức mạnh chiến đấu tổng hợp của LLVT tỉnh. LLVT tỉnh đã thực sự là lực lượng chiến đấu tin cậy, trung thành của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong mọi thời điểm.

Phát huy giá trị bản chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, LLVT tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Tham mưu cho Tỉnh ủy thực hiện tốt Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”.

LLVT tỉnh đã thường xuyên thực hiện nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu; chủ động phối hợp nắm bắt thông tin, dự báo sát, đúng tình hình, tham mưu các phương án xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tích cực tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là Phong trào “LLVT tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”; giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, giữ vững, tạo niềm tin cho cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn, xây dựng mối đoàn kết quân dân; phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT tỉnh Bắc Ninh vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; Huân chương Hồ Chí Minh; 2 Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhì; 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; 49 tập thể và 20 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 10 tập thể và 5 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đại tá TRẦN VIẾT NĂNG - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bắc Ninh

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/llvt-tinh-bac-ninh-viet-tiep-trang-su-anh-hung-822549