Lo ảnh hưởng đến sản xuất, doanh nghiệp xin được xã hội hóa việc tiêm vắc-xin
Theo các doanh nghiệp (DN), tiến độ tiêm vắc-xin hiện nay có thể ảnh hưởng lớn đến kế hoạch duy trì và ổn định sản xuất của các DN.
Sáng 7-8, tại buổi họp trực tuyến với Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương về việc bảo đảm nguồn hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở phía Nam, đại diện các hội ngành nghề tại TP HCM cho rằng tiến độ tiêm vắc-xin có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất - kinh doanh.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cho biết lương thực - thực phẩm là lĩnh vực quan trọng, cần được ưu tiên tiêm vắc-xin để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thực phẩm cho người dân nhưng đến nay, rất nhiều DN dù đã được Sở Công Thương chuyển danh sách về các địa phương nhưng vẫn chưa được tiêm.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho rằng chỉ có tiêm vắc-xin cho công nhân mới có thể giảm thiểu rủi ro xuất hiện F0 trong các nhà máy đang thực hiện "3 tại chỗ".
"Việc tiêm vắc-xin hiện đang gặp khó khăn do TP quy định đưa danh sách tiêm về địa phương, dẫn tới việc tiêm chưa đồng bộ. Cần có phương án tiêm tập trung thông qua hiệp hội để đẩy nhanh tiến độ" - ông Việt đề xuất.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM, cho biết thêm đa số công nhân đang thực hiện "3 tại chỗ" ở hầu hết DN không được ra ngoài đi tiêm vắc-xin theo tin nhắn thông báo.
"Vì đang "3 tại chỗ" nên không thể cho công nhân ra ngoài đi tiêm. Công nhân có danh sách tiêm ở địa phương, nhận được tin nhắn nhưng không đi tiêm được thì họ rất tâm tư" - ông Tống phản ánh.
"Nên cho phép các hội DN đứng ra làm đầu mối thuê các tổ chức y tế tư nhân có chứng chỉ hành nghề đến DN tiêm vắc-xin cho công nhân, DN sẽ chi trả phần chi phí tiêm phòng này" - ông Tống kiến nghị.
Một nội dung quan trọng khác mà các DN kiến nghị với tổ công tác là liên quan đến việc gia hạn thuế, gia hạn khoản vay ngân hàng. Bà Lý Kim Chi cho biết rất nhiều DN đang nằm trong các khu vực phong tỏa, hoạt động sản xuất, nguồn thu bị sụt giảm nghiêm trọng. Vì vậy, kiến nghị các ngân hàng cho DN được giãn nợ, không phải đáo hạn nợ theo tiến độ (DN vẫn trả lãi suất đầy đủ). Ông Đỗ Phước Tống cũng đề xuất ngân hàng, các tổ chức tài chính Nhà nước giãn nợ 3-6 tháng cho các khoản nợ đến hạn của DN.
Trao đổi với các DN, ông Nguyễn Thành Nam, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt kiêm phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết bộ đã có rất nhiều công văn gởi các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của DN nhằm ổn định sản xuất. Gần đây nhất là kiến nghị Bộ Y tế sớm bổ sung các hình thức khác cho DN lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với thực tế khi tình hình dịch Covid-19 bùng phát nhiều nơi như hiện nay. Liên quan đến các kiến nghị về gia hạn thuế, gia hạn khoản vay ngân hàng, ông Nam đề nghị các Hiệp hội, ngành hàng gửi nhanh kiến nghị cho Tổ công tác ngay trong chiều nay (7-8) để Tổ có cơ sở báo cáo Bộ Công Thương.