Lo cho dân
Thời điểm năm hết, Tết đến, nhu cầu chi tiêu trong xã hội tăng cao, lo cho dân có một cái tết đầy đủ, đầm ấm, sum họp là điều chính đáng, phải làm.
Đáng lo, nội chuyện thịt lợn, thứ thực phẩm chủ lực của dân ta quanh năm và đặc biệt là dịp Tết, cho dù đã tăng cường thêm nửa triệu tấn mà giá cả vẫn tăng. Người đứng đầu Chính phủ đã có một động thái dứt khoát quy trách nhiệm lo việc này cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất rõ ràng.
Người lao động ngóng trông vào tiền lương, thưởng Tết song cái quy định cho thưởng Tết bằng hiện vật ám ảnh họ. Cái họ cần là tiền, thưởng bằng vật thì vẫn phải bán để lấy tiền nhưng oái oăm là có thứ thưởng Tết mà bán rẻ cũng không ai mua.
Trong khi đó các khoản thu từ dân, ngoài ngân sách rất nhiều thứ phải nộp, tại diễn đàn Quốc hội đã có nhiều ý kiến tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc này. Mới đây, qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy có nhiều loại quỹ thu tiền dân, ngàn tỷ chi tiêu không ai rõ và tất nhiên, không hiệu quả.
“Điểm danh” một vài loại quỹ như Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ Phòng chống thiên tai, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Quỹ bảo trì đường bộ,... Giảm thu từ dân, dù bất cứ trong loại hình nào, thuế hay phí, quỹ hay sự “vận động đóng góp” chính là một cách lo cho dân thiết thực nhất.
Một mối lo khác đang hiện hữu là hàng giả, thuốc giả. Liên tiếp các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ một số lượng lớn các mặt hàng giả, hoặc không rõ nguồn gốc, hoặc độc hại. Điển hình như vụ bắt giữ hàng chục tấn thuốc bắc không rõ nguồn gốc hay việc phát hiện các cơ sở sản xuất nước giải khát giả, mới nhất, Công an Cần Thơ đột kích kho làm trà giả, thu giữ 1 tấn, Công an Đồng Nai phát hiện một nhà xưởng ngay tại trung tâm thành phố Biên Hòa đóng mác nhãn hiệu nổi tiếng lên các chai nước ngọt làm giả, đóng thùng đưa đi tiêu thụ.
Ngoài ra, còn lưu hành những thứ giả khác để moi túi người dân như thuốc chữa bệnh quá đát hoặc loại đã bị cấm sử dụng, có cả các bác sỹ “giả” nữa cho nên “tiền mất, tật mang” xảy ra phổ biến đúng với nghĩa đen của của tổ hợp từ này.
Môi trường ô nhiễm trở thành một mối lo thường trực, thế nhưng phương cách chống chọi và chế ngự còn rất chậm. Những điều bất thường đã trở thành bình thường như chuyện nước sạch thành nước bẩn đã quá quen hoặc như việc vỡ ống dẫn nước sông Đà. Ngay cả chuyện rò rỉ của nó mà vừa rồi Thủ tướng phải yêu cầu kiểm tra.
Lo cho dân thiết thực nhất là làm tròn trách nhiệm của mình, giữ cho môi trường sạch trong tất cả các lĩnh vực tạo điều kiện tốt để người dân làm ăn, đi lại, sinh hoạt,... và người dân cũng chỉ mong có thế!
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/su-kien-ban-luan/lo-cho-dan-486105.html