Lo cho 'kho người làm'

Có câu 'Một người lo bằng kho người làm', trong sản xuất nông nghiệp hiện nay thì cần người lo tốt nhưng 'kho người làm' cũng rất quan trọng.

Vài ngày trước, chị bạn tôi ở Bỉ thông báo một tin không vui là gạo ST25 của Việt Nam tạm bị đình chỉ xuất khẩu sang nước này.

Chị tiếc từ nay không được ăn loại gạo ngon nhất Việt Nam này nữa. Buồn hơn khi chị định giới thiệu loại gạo trên cho bạn bè ở Bỉ thì nay đành phải ngậm ngùi im lặng. Nguyên nhân do một lô gạo ST25 nhãn hiệu Nữ hoàng khi xuất sang nước này bị phát hiện có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Câu chuyện nông sản Việt Nam bị thu hồi hoặc đình chỉ xuất khẩu chỉ vì có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép không phải mới nhưng mấy năm gần đây tình trạng này đã ít hơn nhiều. Nếu chỉ sơ sẩy, thiếu một chút nghiêm túc trong quá trình sản xuất sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Đây là bài học mà nông dân Hải Dương cũng cần được biết và rút kinh nghiệm. Là một trong những vựa nông sản lớn của các tỉnh phía Bắc, Hải Dương đang thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ở nhiều nơi trong tỉnh, nông dân đã nghiên cứu hoặc tìm đến những loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Bằng chứng là vụ vải, nhãn vừa qua, nông dân trong tỉnh ta đã xuất khẩu được những loại quả này sang các thị trường khó tính. Đặc biệt qua nhiều lần kiểm tra, đánh giá, nông sản của Hải Dương đã đạt chuẩn và được các đối tác nước ngoài chấp nhận.

Có câu “Một người lo bằng kho người làm”, trong sản xuất nông nghiệp hiện nay thì cần người lo tốt nhưng “kho người làm” cũng rất quan trọng. Thời gian qua, Hải Dương là một trong những tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng mạnh dạn đầu tư cho phát triển nông nghiệp sạch. Tỉnh có một đề án dành riêng cho vấn đề này. Tại nhiều cuộc họp, các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn nhắc tới nông nghiệp sạch và yêu cầu ưu tiên hỗ trợ phát triển. Thế nhưng để chính sách đi vào thực tiễn thì nông dân Hải Dương có vai trò quan trọng không kém. Trước hết nhà nông phải có kiến thức về sử dụng vật tư nông nghiệp, nhất là dùng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Nông dân phải hiểu an toàn cho thực phẩm, môi trường cũng chính là đem lại sự an toàn cho chính mình.

Chị bạn tôi bảo, ở Bỉ có một tổ chức độc lập của Chính phủ đứng ra giám sát và cấp chứng chỉ cho nông dân về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Nông dân Bỉ chấp nhận trả chi phí cho tổ chức độc lập này. Nếu không đạt chứng chỉ, nông sản của họ không được bán ra thị trường, thậm chí bị xử phạt nếu phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Ngoài ra, nông dân thường xuyên được các tổ chức nghề nghiệp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cách sử dụng thuốc và chăm bón cây trồng để bảo đảm chất lượng, an toàn và năng suất. Trước khi bán ra thị trường, nông sản của họ còn được kiểm định, đánh giá rất khắt khe. Hằng năm, khi nông dân ở Bỉ sản xuất tuân thủ đúng quy định, tạo ra sản phẩm an toàn và góp phần bảo vệ môi trường sẽ nhận được một khoản trợ cấp nhất định từ Chính phủ.

Nhiều người sẽ nói, rất khó có thể làm được điều trên ở Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ, khó vẫn nên làm. Ngoài phải đổi mới tư duy từ "người lo" còn nên quan tâm đến "kho người làm". Các cơ quan chuyên môn cần quan tâm đồng hành cùng nông dân ngay từ đầu vụ để họ có cái nhìn đúng về sản xuất sạch và tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất an toàn. Tỉnh cũng nên có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân xây dựng những mô hình sản xuất an toàn, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu...

HẢI MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/lo-cho-kho-nguoi-lam-184745