Lo cổ phiếu bắt đáy giá rẻ về tài khoản, thanh khoản sụt giảm đột ngột

Sau phiên phục hồi mạnh mẽ hôm qua, thị trường đã chững lại với thanh khoản đột ngột xuống thấp nhất trong vòng 2 tháng. Mặc dù mức giảm ở cả chỉ số lẫn cổ phiếu không nhiều, nhưng thanh khoản quá thấp phản ánh sự thận trọng rất cao khi nhà đầu tư lo lắng về lượng hàng giá rẻ trong ngắn hạn.

Trượt dốc cuối phiên

Phần lớn thời gian của phiên hôm nay thị trường vẫn tăng. VN-Index hôm qua tăng gần 22 điểm và đà tăng hôm nay duy trì đến tận gần 2h. Nhịp suy yếu xuất phát từ việc các cổ phiếu blue-chips, nhất là nhóm ngân hàng, bị xả khá lớn, từ đó tác động đến điểm số.

VCB là mã yếu nhất trong nhóm ngân hàng khi đóng cửa giảm tới 1,7%. Hôm qua thị trường chung tăng tốt nhưng VCB lại không tăng được, hôm nay quay đầu giảm ảnh hưởng tới xu hướng. Mức đóng cửa 81.000 đồng của VCB đã là phá đáy thấp nhất 3 tháng ở mã này.

Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Loạt cổ phiếu ngân hàng giảm đáng kể là TPB giảm 2,38%, TCB giảm 1,46%, STB giảm 1,75%, MBB giảm 0,92%, CTG giảm 0,95%, BID giảm 0,98%. Không khó để thấy đây là những cổ phiếu có tác động lớn đến chỉ số, đặc biệt là VN30-Index. Chỉ số này đóng cửa giảm 0,48%, mạnh hơn VN-Index.

Hầu hết các cổ phiếu blue-chips chiều nay đều suy yếu hơn so với phiên sáng, dù vẫn còn 8 mã đóng cửa trên tham chiếu. VPB tăng 1,28%, ACB tăng 0,45% là hai cổ phiếu ngân hàng khá khỏe, nhưng cũng vẫn là thấp hơn đáng kể so với buổi sáng. Các trụ lớn như VIC, VHM, VNM, HPG, MSN, NVL đều rất kém, nên lực đỡ bốc hơi hoàn toàn so với phiên sáng.

Mảng sáng duy nhất của phiên giao dịch hôm nay là vẫn có những cổ phiếu/nhóm cổ phiếu thu hút được dòng tiền và tăng tốt. Nổi bật nhất là các mã dầu khí và hóa chất. Giá dầu đang phục hồi mạnh trở lại khi càng ngày càng đến gần thời điểm Nga áp dụng chế độ thanh toán bằng đồng Rúp cũng như chiến lượt giải phóng dầu của IEA đã giảm hiệu lực tâm lý. PVC phiên này đóng cửa ở giá trần, GAS tăng 1,36%, PVD tăng 1,68%, PTV tăng 6,27%, PVB tăng 7,29%, PCG tăng 4,3%... Dĩ nhiên giá dầu tăng cũng kéo theo nhóm cổ phiếu hóa chất phân bón tăng dữ dội. DCM, LAS, DGC kịch trần; các mã như PMB, DPM, PSW, CSV, NFC, HVT, VAF, BFC tăng hơn 4% giá trị.

Điều bất lợi dĩ nhiên là nhóm cổ phiếu tăng giá không có ảnh hưởng đáng kể lên chỉ số. GAS là mã vốn hóa lớn duy nhất. Trong khi đó ở phía giảm giá đã có mặt tới 8/10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường.

Thanh khoản giảm

Hiện tượng trượt dốc giảm dần về cuối phiên hôm nay gắn liền với biểu hiện giảm sâu về thanh khoản. Ví dụ trên HoSE hôm nay, tổng giao dịch (gồm cả thỏa thuận) chỉ đạt 18,5 ngàn tỷ đồng, giảm 16% so với hôm qua và ở ngưỡng thấp kỷ lục từ đầu năm 2022.

Thanh khoản giảm dĩ nhiên là biểu hiện của cung cầu không gặp nhau. Giá trị giao dịch được tạo thành là do cổ phiếu bán ra gặp lệnh mua cùng giá. Nếu hai lệnh đối ứng không phù hợp về giá thì sẽ chuyển thành dư mua và dư bán. Do vậy thanh khoản là một khía cạnh của khả năng chuyển đổi cổ phiếu thành tiền và ngược lại, nhưng không phản ánh hết ý định/hay nhu cầu muốn mua bán trên thị trường.

Dĩ nhiên thanh khoản giảm và giá cổ phiếu cũng giảm cho thấy khối lượng cần mua đã suy yếu. Nhà đầu tư phải bán giá rẻ hơn thì mới khớp được. Đây là kết quả của một phản ứng yếu, khi nhà đầu tư cầm tiền không tham gia quyết liệt hơn.

Có nhiều lý do khiến người cầm tiền ngần ngại vào lúc này. Ví dụ ngày mai khối lượng cổ phiếu bắt đáy thấp nhất trong đợt điều chỉnh vừa qua sẽ về tài khoản. Khả năng cao lực bán sẽ tăng và nếu còn muốn mua thì giá có thể rẻ hơn. Hoặc, nhà đầu tư mới cắt lỗ xong, chưa biết liệu thị trường có thực sự tạo đáy, hay vẫn còn giảm thêm nữa. Nói chung yếu tố tâm lý đang chi phối đáng kể giao dịch những ngày qua, nên thanh khoản giảm cũng không phải là điều quá bất ngờ. Khi sự tự tin chưa trở lại, thị trường sẽ còn trải qua nhiều thử thách để củng cố tâm lý.

Khánh Nhi

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lo-co-phieu-bat-day-gia-re-ve-tai-khoan-thanh-khoan-sut-giam-dot-ngot-103542.html