Lò đào tạo nhóm nhạc nam nuôi mộng làm BTS thứ hai
Các idol mới của Kpop vẫn ra mắt khán giả đều đặn mỗi năm, đi kèm với ước mơ thành danh như lớp đàn anh. Trước khi nghĩ đến điều đó, họ phải trải qua thời gian đào tạo khắc nghiệt.
30 thanh thiếu niên, trải qua hàng nghìn giờ đào tạo. Chỉ 7 người đi đến chặng cuối cùng.
Nhóm nhạc nam Blitzers vừa debut (ra mắt) thị trường Kpop với hy vọng đạt thành công tương tự như cách BTS đã trở thành hiện tượng toàn cầu, theo AFP.
MV Breathe Again của nhóm hiện đạt gần 2 triệu lượt xem sau 3 ngày công chiếu. Chuyên trang The Bias List đánh giá Blitzers là nhóm nhạc tân binh nổi bật trong làng nhạc Kpop năm 2021, đáng để theo dõi các sản phẩm tới. Bài hát Breathe Again được trang này chấm điểm 8,5/10.
Luyện tập đến khi hoàn hảo
Một tháng trước ngày ra mắt, trong phòng tập với hai chiếc gương cỡ lớn, 7 thành viên đang tập duyệt cho đĩa đơn đầu tay Breathe Again, dưới sự đánh giá của quản lý, giáo viên và biên đạo nhảy.
Bài hát lên tới cao trào, 7 người xếp thành đội hình đẹp mắt, tung ra những động tác đặc trưng của Kpop. Nhưng những gì vừa thể hiện vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của công ty.
“Đây mới chỉ là màn khởi động thôi đúng không? Lần tiếp theo hãy làm thật mạnh mẽ vào”, thầy dạy vũ đạo nhắc nhở.
“Vâng”, các chàng trai đồng thanh trả lời, rồi nhanh chóng về lại đội hình.
“Chúng tôi tập luyện liên tục cho đến khi mọi thứ hoàn hảo”, Jang Jun Ho, thành viên dự bị, nói.
Blitzers nằm dưới sự quản lý của Wuzo Entertainment, một công ty âm nhạc mới thành lập ở thủ đô Seoul. Công ty đã đầu tư khoảng 1 tỷ won (900.000 USD) vào ban nhạc và đặt cược số phận công ty vào thành công của nhóm.
BTS là một ví dụ.
Nhóm nhạc chiếm thứ hạng cao trong bảng xếp hạng âm nhạc Billboard của Mỹ vào năm ngoái, đồng thời đem về hàng tỷ USD cho Hàn Quốc.
Cùng năm đó, Big Hit Entertainment (sau đổi thành HYPE Corporation), công ty chủ quản của BTS, lên sàn chứng khoán Hàn Quốc và hiện có giá trị vốn hóa thị trường hơn 7 tỷ USD.
Nhưng thực tế dễ nhìn thấy là mức độ thành công còn phụ thuộc nhiều vào may rủi.
“Mỗi năm có hơn 50 nhóm nhạc thần tượng được tung ra thị trường. Chỉ có một vài người trong số họ sống sót”, Kim Jin Hyung, đồng giám đốc điều hành của hãng cho biết.
"Nếu Blitzers thành công, công ty sẽ thành công. Nếu họ thất bại, gần như chắc chắn chúng tôi sẽ phải đóng cửa hoạt động kinh doanh của mình", ông nói thêm.
Đánh đổi
Giống như bao thế hệ nuôi ước mơ trở thành idol, các thành viên trẻ tuổi của nhóm đi qua 3 năm học thanh nhạc, vũ đạo cùng nhiều kỹ năng cần có khác dành cho giới nghệ sĩ.
Lịch trình khi còn là thực tập sinh lúc nào cũng căng thẳng và dày đặc từ sáng sớm đến cuối ngày. Những chàng trai chỉ được ngủ chưa đầy 5 tiếng mỗi đêm. Tại nhà chung ở Seoul, những chiếc giường tầng vắng người nằm đồng nghĩa với chuyện đã có người bị loại.
Ăn cái gì, ngủ giờ nào, trang điểm ra sao - tất cả đều do công ty toàn quyền quyết định và các thành viên bắt buộc phải nghe theo.
Tập luyện sáng tối, các thành viên vẫn cần đảm bảo cân nặng ở mức công ty cho phép. "Chúng tôi cấm họ ăn vặt ban đêm. Họ lúc nào cũng phải ở trong trạng thái sẵn sàng nếu có cơ hội ra mắt", quản lý Oh Chang Seok nói.
Các thành viên đều ở độ tuổi 17-19 và chủ yếu được chiêu mộ khi còn đi học. Một số vừa đến trường vừa tham gia vào lò luyện idol.
Từ 30 người, chỉ còn 12 người còn trụ lại sau quá trình đào tạo. Họ chuyển đến sống chung cùng nhau trong ký túc xá. Đến tháng 11 năm ngoái, 5 người ra về, không có cơ hội ra mắt công chúng.
Ngay cả những người chiến thắng, được ra mắt cũng đối mặt cảm xúc lẫn lộn. Choi Jin Hwa (19 tuổi), nắm giữ chức trưởng nhóm, cho hay mặc dù đã nhìn hàng loạt bạn đồng trang lứa phải ra về nhưng "chưa bao giờ thấy dễ chịu khi chứng kiến".
"Dù đó không phải lỗi của tôi, tôi vẫn cảm thấy buồn. Bất kể ở với nhau bao lâu, nhiều người đã luyện tập cả ngày với tôi kể từ khi bước chân vào công ty", Choi nói.
Trong một bài viết trước đó của AFP, ngành công nghiệp Kpop bị cáo buộc là nơi tiêu thụ những người trẻ nuôi đầy hy vọng, bỏ công sức ngày đêm song chỉ một số rất nhỏ trong đó thành công.
Ryu Sera, cựu thành viên nhóm nhạc Nine Muse, từng gọi các lò đào tạo thần tượng như "hệ thống sản xuất hàng loạt giống như các nhà máy".
Không đồng tình, giám đốc Kim chỉ trích những lời nói như vậy là "phiến diện".
“Chúng tôi là một công ty mang đến cho các thực tập sinh cơ hội theo đuổi và thực hiện ước mơ của họ. Còn họ đem lại lợi nhuận và giúp chúng tôi thành công ty lớn mạnh", người này đề cập đến mối quan hệ hai bên cùng có lợi.
Quản lý Oh rất thực tế về những thực tập sinh cũ bị loại. "Chúng tôi không thể giúp những ai được trao cơ hội hoàn thiện bản thân nhưng không thể theo kịp những người khác. Chỉ có thể giới thiệu cho công chúng những người tốt nhất".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lo-dao-tao-nhom-nhac-nam-nuoi-mong-lam-bts-thu-hai-post1215692.html