Lo đầu ra cho quả vải lai chín sớm Phù Cừ

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, làm nông dân huyện Phù Cừ thêm lo lắng đầu ra cho quả vải. Đây là vấn đề cần được các cấp, ngành ở tỉnh Hưng Yên sớm quan tâm hỗ trợ, giúp nông dân tiêu thụ nông sản.

Thăm vườn vải lai chín sớm ở xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Thăm vườn vải lai chín sớm ở xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, làm nông dân huyện Phù Cừ thêm lo lắng đầu ra cho quả vải. Đây là vấn đề cần được các cấp, ngành ở tỉnh Hưng Yên sớm quan tâm hỗ trợ, giúp nông dân tiêu thụ nông sản.

Bước vào đầu vụ thu hoạch Vải, Giám đốc HTX nông nghiệp Thắng Lợi (xã Tam Đa, huyện Phù Cừ) Nguyễn Tiến Thiều lo lắng, HTX nông nghiệp Thắng Lợi có khoảng 500 thành viên, tổng diện tích trồng vải lai chín sớm khoảng 70ha, vụ này cho sản lượng khoảng 1000 tấn. Vải lai chín sớm của HTX nông nghiệp Thắng Lợi được sản xuất theo quy trình VietGAP, chất lượng quả vải ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; hằng năm có nhiều doanh nghiệp, tư thương đến đặt hàng để bán trong hệ thống siêu thị hoặc các chợ đầu mối.

Tuy nhiên, vụ vải năm nay khách hàng đến thăm thưa, đặt hàng ít hơn, giá vải đầu vụ cũng thấp hơn năm trước. Giám đốc Nguyễn Tiến Thiều cho biết thêm, theo một số khách hàng, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc vận chuyển, tiêu thụ vải ở một số chợ đầu mối, một số tỉnh gặp khó khăn, việc xuất khẩu cũng vậy nên từ nay đến cuối vụ (khoảng giữa tháng 6), diễn biến giá quả vải không biết như thế nào. Nông dân đang trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh và huyện trong việc tiêu thụ quả vải.

Phù Cừ là huyện nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên, có hơn 6.600ha đất nông nghiệp, nông dân trong huyện đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị cao, như: vùng trồng cây vải lai chín sớm, vùng trồng cây vải trứng, vùng trồng cây có múi và vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (trồng dưa trong nhà lưới)…

Theo UBND huyện Phù Cừ, toàn huyện trồng được hơn 900ha vải; trong đó, có hơn 700ha vải lai chín sớm; gần 180ha vải chứng. Năm nay, vải được mùa, sản lượng của huyện Phù Cừ ước đạt khoảng 9.000 tấn. Các địa phương có diện tích cây vải lớn: xã Tam Đa với 241ha, ước cho sản lượng khoảng 3.900 tấn; xã Minh Tiến, hơn 318ha, sản lượng 3.800 tấn; xã Tiên Tiến, hơn 58ha, sản lượng 250 tấn…

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu chứng nhận vải lai chín sớm Phù Cừ; vải lai chín sớm Phù Cừ được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Vải trứng Hưng Yên, được trồng nhiều ở các xã: Phan Sào Nam, Minh Tân, Minh Hoàng, Đoàn Đào, dự kiến thời gian thu hoạch từ ngày 10-6 trở đi. Vải trứng Hưng Yên được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận năm 2020; được tỉnh Hưng Yên xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.

Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Phù Cừ đã quan tâm, hỗ trợ các địa phương tổ chức lại sản xuất, khuyến khích, hỗ trợ thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới. Một số HTX nông nghiệp đã thu hút nhiều thành viên tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa.

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của phần lớn HTX nông nghiệp; nhất là việc tiêu thụ nông sản đang là điều trăn trở chung của huyện Phù Cừ. Theo Trưởng phòng NN-PTNN huyện Phù Cừ, Bùi Quang Nam, các HTX nông nghiệp mới thành lập, nguồn lực về tài chính, cũng như nhân lực còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ; do vậy, nhiều HTX, nhà vườn chưa quan tâm, mạnh dạn đầu tư xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Việc liên kết để tiêu thụ giữa HTX, nhà vườn với nhà phân phối, cở sở chế biến còn hạn chế. Việc thu hút các doanh nghiệp, HTX đủ tiềm lực tham gia chuỗi liên kết còn gặp nhiều khó khăn.

Đến nay, trên địa bàn huyện Phù Cừ chưa có nhà phân phối, các đơn vị chế biến, sản xuất các mặt hàng nông sản huyện, chủ yếu chờ vào tư thương tìm đến thu mua. Các HTX, nhà vườn còn chưa quan tâm nhiều đến công tác quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm nông sản của đơn vị trên môi trường mạng, trên các trang thương mại điện tử...

Thời gian thu hoạch quả vải ngắn, tập trung (trong vòng từ 15-20 ngày) với sản lượng lớn, do đó sẽ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm vải quả. Việc bảo quản, chế biến nông sản nói chung và vải quả nói riêng đến nay số lượng nhà máy, cơ sở đứng ra đảm nhiệm khâu bảo quản, chế biến sản phẩm cho người nông dân trên địa bàn huyện còn hạn chế.

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, dự báo sẽ ảnh hưởng đến tâm lý lo ngại của người tiêu dùng và khó khăn cho công tác thu hoạch, vận chuyển, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, nhất là đối với vải quả.

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, mong huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả, tiêu thụ quả vải cho nông dân, như: đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá nhãn hiệu vải lai chín sớm Phù Cừ; vải trứng Hưng Yên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên môi trường mạng; đưa quả vải Phù Cừ lên sàn giao dịch điện tử; liên hệ các doanh nghiệp, thương nhân giúp nông dân tiêu thụ vải với giá cả cao nhất…

PHẠM HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chuyen-lam-an/lo-dau-ra-cho-qua-vai-lai-chin-som-phu-cu-646370/