Lộ dấu vết gây sốc của nền công nghiệp 5.200 tuổi ở Ai Cập

Hơn 5.200 năm trước, người Ai Cập đã có những hoạt động gần như thời đại công nghiệp hóa và khiến sông Nile trở thành nơi đầu tiên bị ô nhiễm kim loại.

Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Geology đưa ra bằng chứng gây sốc về vụ ô nhiễm kim loại đầu tiên mà con người gây ra từ hơn 5.200 năm trước, do hoạt động luyện kim phát triển quá mức ở Ai Cập.

Khác biệt duy nhất với hoạt động luyện kim của thời đại công nghiệp hóa ngày nay đó là việc thứ kim loại đóng vai trò trung tâm không phải sắt hay thép, mà là đồng.

Khu vực cảng Khufu cổ đại, ngay cạnh Đại Kim tự tháp Giza ở Ai Cập là nơi đầu tiên trên thế giới bị hoạt động công nghiệp làm ô nhiễm - Ảnh: LIVE SCIENCE

Khu vực cảng Khufu cổ đại, ngay cạnh Đại Kim tự tháp Giza ở Ai Cập là nơi đầu tiên trên thế giới bị hoạt động công nghiệp làm ô nhiễm - Ảnh: LIVE SCIENCE

Theo Live Science, các nhà nghiên cứu đã khoan xuống lòng đất bên dưới các con phố của Cairo, tại vị trí chỉ cách Đại Kim tự tháp Giza khoảng 1 km. Đó là nơi tọa lạc bên cảng lâu đời nhất thế giới - cảng Khufu.

Và giờ đây, các nhà khoa học xác định đây là nơi đầu tiên trên thế giới bị con người làm ô nhiễm kim loại.

Ô nhiễm kim loại bắt đầu được chú trọng và nghiên cứu nhiều từ thế kỷ 20, mặc dù có thể đã xuất hiện và gây ảnh hưởng đến con người trước đó một thời gian, khi cuộc cách mạng công nghiệp làm thay đổi thế giới.

Nhưng từ rất lâu, người Ai Cập bên bờ sông Nile đã phải chịu đựng tình trạng này vì chính sự phát triển "vượt thời gian" của văn minh Ai Cập cổ đại.

Theo nhà địa hóa học Alain Véron đến từ Đại học Aix-Marseille (Pháp), cuộc nghiên cứu nhằm tìm kiếm các lớp trầm tích cổ xưa để hiểu thêm về cuộc sống của 95% dân số Ai Cập cổ đại.

Họ là những người bình dân với đời sống khác biệt so với giới tinh hoa được tìm thấy trong các kim tự tháp và lăng mộ xa hoa.

Nằm dọc theo một nhánh sông Nile hiện đã không còn tồn tại gần Cao nguyên Giza, cảng Khufu đóng vai trò thiết yếu trong việc vận chuyển vật liệu và là địa điểm của một ngành công nghiệp chế tạo công cụ bằng đồng lớn.

Một số công cụ này còn được công nhân pha trộn với asen để tăng độ bền cao khi chế tác, bao gồm lưỡi dao, đục và máy khoan để gia công các vật liệu như đá vôi, gỗ và hàng dệt.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phép đo phổ khối plasma cảm ứng (ICP-MS) để đo mức độ đồng và asen, cũng như nhôm, sắt và titan, với sáu niên đại carbon-14 để thiết lập một khuôn khổ niên đại.

Nghiên cứu đã chỉ ra sự khởi đầu của ô nhiễm kim loại là vào khoảng năm 3.265 trước Công nguyên, cho thấy rằng con người đã bắt đầu sinh sống và làm việc với kim loại tại Giza sớm hơn 200 năm so với những gì từng được ghi chép.

Ô nhiễm kim loại đạt đỉnh trong quá trình xây dựng kim tự tháp muộn vào khoảng năm 2.500 trước Công nguyên và kéo dài cho đến khoảng năm 1.000 trước Công Nguyên, với hàm lượng đồng trong trầm tích cao hơn tới 5-6 lần so với tự nhiên.

Các tác giả cho biết điều này chỉ ra một hoạt động công nghiệp với quy mô "đáng kể".

Nghiên cứu cung cấp thêm hiểu biết sâu sắc về cách người Ai Cập cổ đại thích nghi với những thách thức về môi trường.

Khi sông Nile rút đi và cảng Khufu thu hẹp lại, hoạt động gia công kim loại vẫn tiếp tục.

Khi sông Nile đạt mức thấp nhất, vào khoảng năm 2200 trước Công nguyên - một giai đoạn bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn dân sự và những tin đồn về nạn ăn thịt người - ô nhiễm kim loại vẫn ở mức cao, cho thấy cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động có khả năng phục hồi tốt.

Thu Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lo-dau-vet-gay-soc-cua-nen-cong-nghiep-5200-tuoi-o-ai-cap-196240831081441245.htm