Lộ diện doanh nhân nắm vốn Ngân hàng ACB
Trong danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ vừa được Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cập nhật đến ngày 10/9, xuất hiện nhóm cổ đông có liên quan đến bà Ngô Thu Thúy.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Đây là danh sách cập nhật, sau khi ngân hàng này từng công bố lần đầu vào cuối tháng 7 năm nay. Tại danh sách bổ sung xuất hiện thêm 5 cổ đông, gồm cả tổ chức và cá nhân.
Trong đó, CTCP Đầu tư thương mại Giang Sen nắm hơn 80,2 triệu cổ phần, tương ứng gần 1,8% vốn ngân hàng. Song người liên quan đến công ty này nắm hơn 5,1% vốn tại ACB. Tiếp đến CTCP Đầu tư thương mại Bách Thanh nắm hơn 55,9 triệu cổ phần ACB, tương ứng 1,25% vốn và người liên quan nắm 5,6% vốn tại ngân hàng. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, cả Giang Sen và Bách Thanh đều là cổ đông tổ chức có liên quan tới ông Trần Hùng Huy - chủ tịch HĐQT ACB.
Ông Huy nắm tổng số hơn 153 triệu cổ phần, tương ứng hơn 3,42% cổ phần. Còn tất cả cổ đông có liên quan ông Huy nắm hơn 8,2% vốn ACB.
Nhóm cổ đông Âu Lạc nắm vốn Ngân hàng ACB
Ngoài hai doanh nghiệp liên quan tới chủ tịch ACB, danh sách được cập nhật còn có thêm 1 cổ đông tổ chức khác là CTCP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương nắm gần 58,6 triệu cổ phần ACB, tương ứng 1,3% vốn. Còn người có liên quan đến cổ đông tổ chức này nắm hơn 107,7 triệu cổ phần, tức sở hữu 2,4% vốn ACB. CTCP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương là doanh nghiệp do bà Ngô Thu Thúy làm chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật. Nữ doanh nhân này còn là chủ tịch Công ty cổ phần Âu Lạc.
Nguyễn Thiên Hương Jenny hay Nguyễn Đức Hiếu Johnny - hai cổ đông cá nhân còn lại nắm trên 1% vốn tại ACB - đều là con của bà Thúy. Như vậy, toàn bộ nhóm cổ đông Âu Lạc nắm hơn 3,7% vốn điều lệ ACB. Ước tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu ACB, cổ phần nhóm cổ đông này đang sở hữu giá trị hơn 4.000 tỉ đồng.
Bà Ngô Thu Thúy, sinh năm 1967, là doanh nhân kín tiếng và ít lộ diện trước truyền thông. Gia đình bà được biết đến nhiều với sở hữu tại CTCP Âu Lạc, hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải xăng dầu và hàng hóa đường biển nội địa và quốc tế. Có quy mô tổng tài sản lên gần 2.550 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 6 năm nay. Trong 6 tháng đầu năm nay, Âu Lạc có doanh thu gần 800 tỉ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ, còn lãi sau thuế gần 172 tỉ đồng, tăng gần 90%.
Âu Lạc là "người cũ" tại ACB
Nhắc đến Âu Lạc, doanh nghiệp này từng có nhiều giao dịch lượng lớn cổ phiếu ACB. Trên thực tế, Âu Lạc đầu tư gần 54 tỷ đồng mua hơn 3,68 triệu cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank) từ năm 2018. Gom góp đến 2022 đã nắm đến 4,3 triệu cổ phiếu EIB (giá trị gốc 72 tỷ đồng).
Năm 2022 cũng là lúc Âu Lạc bán hết khoản đầu tư tại EIB. Sau đó Âu Lạc mang 365 tỷ đồng đi mua vào hơn 14 triệu cổ phiếu ACB. Ngay thời điểm cuối năm 2022, Âu Lạc đã phải trích lập dự phòng 57 tỷ đồng cho khoản đầu tư mới này. Đến cuối 2023, số cổ phiếu ACB tại Âu Lạc đã được giảm đi đáng kể, còn hơn 3,5 triệu đơn vị, tương ứng giá gốc 79 tỷ đồng. Tuy vậy đến hết quý II/2024 Âu Lạc đã bán sạch số cổ phiếu ACB này.
Với hơn 166,3 triệu cổ phiếu ACB vừa mua, Âu Lạc đã đánh dấu sự trở lại ngân hàng Á Châu với cách khá đặc biệt. Tạm tính với thị giá hiện tại, số tiền Âu Lạc chi ra cũng xấp xỉ 4.000 tỷ đồng.
Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/lo-dien-doanh-nhan-nam-von-ngan-hang-acb-d52041.html