Lộ diện 'gián điệp' không thể ngờ trên chiến trường Ukraine

Điện thoại di động vô tình trở thành 'gián điệp' trên chiến trường, vì nhờ vào đó có đối phương có thể định vị, theo dõi gây nguy hiểm cho cả nhóm quân.

Vào ngay ngày đầu năm mới 1-1, Ukraine đã tấn công một cứ điểm của quân Nga ở TP Makiivka (tỉnh Donetsk) bằng pháo phản lực bắn loạt HIMARS gây nhiều thương vong. Tính đến ngày 4-1, Phó trưởng phòng Chính trị - Quân sự của Quân đội Nga Sergey Sevryukov cho biết đã có 89 lính Nga thiệt mạng do vụ pháo kích, theo hãng thông tấn TASS.

Sau cuộc tấn công, Bộ Quốc phòng Nga ra một thông báo, trong đó chỉ ra “lý do chính của những gì đã xảy ra bao gồm việc sử dụng điện thoại di động một cách ồ ạt bất chấp lệnh cấm ngay trong phạm vi hỏa lực của đối phương”. Theo Bộ này, dữ liệu điện thoại di động đã cho phép Ukraine "xác định tọa độ vị trí của lính Nga để tiến hành tấn công bằng tên lửa”.

Mối nguy từ điện thoại: Không phải chuyện mới

Theo tờ The New York Times, nhiều quan chức Ukraine cho rằng các lực lượng do Nga hậu thuẫn đã khai thác dữ liệu điện thoại di động để nhắm mục tiêu vào lính Ukraine khoảng từ năm 2014, khi phe ly khai thân Nga bắt đầu chiến đấu với quân Ukraine ở miền đông Ukraine. Tờ Business Insider cũng cho rằng kể từ 2014, tin tặc Nga đã sử dụng phần mềm độc hại trong ứng dụng điện thoại để theo dõi các đơn vị pháo binh Ukraine và đã gửi tuyên truyền tới điện thoại lính Ukraine.

Lính Nga dùng điện thoại chụp ảnh ở TP. Mariupol (Ukraine) vào hồi tháng 4-2022. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Lính Nga dùng điện thoại chụp ảnh ở TP. Mariupol (Ukraine) vào hồi tháng 4-2022. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Những quan chức Ukraine nói trên cho biết lực lượng thân Nga này đã triển khai một số hình thức chiến tranh điện tử mới nhất của Nga và lính Ukraine tin rằng họ bị nhắm mục tiêu. Lý do là vì trong những nhóm lính này ai cũng sử dụng điện thoại để gọi điện và sau đó một trận pháo sẽ dội vào đúng vị trí của các nhóm quân này, theo The New York Times.

Phía Nga từ lâu cũng đã ý thức được về mối nguy này. Vào tháng 2-2019, Duma quốc gia Nga (Hạ viện Nga) đã thông qua dự luật cấm quân nhân Nga mang theo điện thoại, thiết bị thông minh có thể kết nối internet và có thể lưu trữ các loại dữ liệu như hình ảnh, video nhằm bảo mật thông tin quân sự, tránh “tai mắt” của tình báo nước ngoài. Tuy nhiên, quân nhân vẫn được dùng điện thoại “cục gạch”. Dự luật này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành vào tháng 3-2019.

Vào thời điểm đó, lính Nga thường đăng ảnh và thông tin chi tiết về các hoạt động quân sự của đơn vị mình trên mạng xã hội Vkontakte và Odnoklassniki như một cách để giữ liên lạc với các đồng đội. Tuy nhiên, những dữ liệu này vô tình giúp các nhà điều tra nguồn mở theo dõi các hoạt động bí mật của lực lượng Nga ở Ukraine và Syria, theo tờ Guardian.

Lính Ukraine dùng điện thoại ở chiến trường miền nam Ukraine vào hồi tháng 10. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Lính Ukraine dùng điện thoại ở chiến trường miền nam Ukraine vào hồi tháng 10. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Tháng 5-2020, Tổng thống Putin ký sắc lệnh tương tự, cấm quân nhân Nga mang các thiết bị điện tử, bao gồm những thiết bị có khả năng truyền file âm thanh, hình ảnh, theo dõi vị trí, khi đang làm nhiệm vụ. Sắc lệnh này được đưa vào như một điều lệ sửa đổi của điều lệ kỷ luật quân đội Nga và việc vi phạm sắc lệnh là hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật, theo hãng tin Interfax.

Theo đó, quân nhân không được mang các thiết bị này khi đang tham gia chiến đấu, đang ở trong đơn vị, trong thời gian huấn luyện, tham gia các nghĩa vụ quân sự quốc tế trong và ngoài lãnh thổ Nga.

Không chỉ Nga và Ukraine mà quân đội của các nước khác cũng đã phát hiện ra điểm yếu chí mạng này. Hồi năm 2016, quân đội Trung Quốc đã ra quyết định hạn chế địa điểm và thời gian mà lính ở các căn cứ quân sự sử dụng điện thoại thông minh sau khi phát hiện ra ứng dụng (app) gọi taxi mà lính sử dụng thu thập dữ liệu cá nhân, trong đó định vị chính xác địa điểm doanh trại, tờ South China Morning Post đưa tin.

Ấn Độ cũng cấm lính dùng “điện thoại thông minh có camera” ở các đơn vị, căn cứ khắp Ấn Độ do lo ngại về các phần mềm độc hại của gián điệp ăn cắp dữ liệu. Hồi năm 2017, các chỉ huy Ấn Độ đã đập khoảng 50 chiếc điện thoại của các tân binh ở bang Madhya Pradesh vì vi phạm nội quy huấn luyện này, tờ The Times of India đưa tin.

Mỹ cũng thận trọng

Hồi tháng 12-2022, Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger cho rằng thiết bị điện tử, nhất là điện thoại di động, tiết lộ nhiều thông tin về người dùng hơn những gì chúng ta nghĩ. Các tín hiệu phát ra từ các thiết bị điện tử gây ra nguy cơ với thủy quân lục chiến vì những tín hiệu này cho phép đối phương theo dõi, nghe lén thông tin liên lạc để tấn công, theo tờ Business Insider.

Các tân binh thủy quân lục chiến Mỹ nộp điện thoại trước khi bước vào huấn luyện tại căn cứ ở TP San Diego, bang California vào hồi tháng 10-2022. Ảnh: MARINE CORPS

Các tân binh thủy quân lục chiến Mỹ nộp điện thoại trước khi bước vào huấn luyện tại căn cứ ở TP San Diego, bang California vào hồi tháng 10-2022. Ảnh: MARINE CORPS

Trong những năm gần đây, điện thoại của lính Mỹ và đồng minh ở châu Âu cũng bị ảnh hưởng do tin tặc và các cuộc gọi rác được cho là do Nga gây ra. Những hoạt động chiến tranh điện tử này, bao gồm gây nhiễu và can thiệp đã ảnh hưởng đến các hoạt động của Mỹ ở Syria và các nơi khác. Điều này đã trở thành mối quan tâm lớn đối với Mỹ, từ đó, khiến Mỹ tập trung vào việc cải thiện khả năng tác chiến trên mặt trận này.

Vào năm 2018, Lầu Năm Góc đã cấm nhân viên trong "khu vực tác chiến" sử dụng chức năng định vị trên điện thoại thông minh, ứng dụng di động sau khi có báo cáo rằng thiết bị theo dõi các hoạt động thể lực như đạp xe, chạy bộ bằng GPS, có thể làm lộ vị trí đơn vị và thậm chí cả cách bố trí căn cứ quân sự, theo đài CNN.

Bảo mật thông tin liên lạc và giảm thiểu các dữ liệu liên quan có thể truy vết người dùng là điều đặc biệt quan trọng đối với Thủy quân lục chiến khi lực lượng này phát triển hoạt động để điều hành các đơn vị nhỏ, cơ động trong phạm vi hoạt động các lực lượng tình báo nước ngoài, theo Business Insider.

Thủy quân lục chiến đã thử nghiệm các công nghệ mới nhằm cung cấp thông tin liên lạc an toàn hơn giữa các đơn vị của họ và với các lực lượng khác. Tuy nhiên, việc lính vẫn sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử khác vẫn có thể giúp kẻ thù theo dõi chuyển động của họ trong thời bình và tấn công trong thời chiến.

Chưa cần xét đến phương diện kỹ thuật, chỉ cần lính vô tình đăng hình lên mạng xã hội cũng có thể khiến cả đơn vị gặp nguy hiểm. Đơn cử, trong cuộc tập trận ở California vào năm 2019, một lính thủy đánh bộ đã đẩy đơn vị mình vào chỗ chết bằng cách chụp ảnh selfie và tấm ảnh đó đã vô tình tiết lộ địa điểm đóng quân. Lúc đó, một đồng nghiệp thủy quân lục chiến nửa đùa nửa thật rằng nếu tôi là địch thì lúc đó tôi sẽ thốt lên: "Các bạn chết chắc rồi!”.

THU PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/dien-thoai-di-dong-gian-diep-khong-the-ngo-tren-chien-truong-post715536.html