Lộ diện kinh đô bí ẩn 'bị thất lạc' của Đế chế Khmer tại Campuchia
Mới đây các nhà nghiên cứu lần đầu tên đã phát hiện ra một 'thành phố bị biến mất' của Campuchia.
Trong một dự án kéo dài nhiều năm, một nhóm các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp quét laser trên không và đo đạc trên mặt đất để lập ra bản đồ của Mahendraparvata, hay còn gọi là Núi Indra, Vua của các vị thần.
Mahendraparvata là một trong những kinh đô đầu tiên của Khmer – đế chế tồn tại từ thế kỷ 9 tới 15 TCN, nhưng cho tới giờ vẫn còn cất giấu rất nhiều bí ẩn. Giới khoa học từng đưa ra giả thuyết, Mahendraparvata nằm tại cao nguyên Phnom Kulen, cách Siem Reap khoảng 48km về phía bắc; tuy nhiên, không tìm được nhiều bằng chứng. Cao nguyên Phnom Kulen khá xa xôi, khó tiếp cận, bị che phủ bởi rừng rậm và có thể từng là nơi đặt các khu mỏ dưới chế độ Khmer Đỏ trong những năm 1970.
Trong nhiều thập kỷ, Mahendraparvata vẫn được mệnh danh là "thành phố bị thất lạc"; nhưng giờ đây, các nhà khoa học khẳng định, họ đã xác định được nó.
"Chúng tôi xác nhận giả thuyết dựa trên chứng cứ rằng Mahendraparvata – kinh đô từ thế kỷ thứ 8-9 TCN của đế chế Khmer – nằm ở dãy núi Phnom Kulen", bài báo xuất bản trên tạp chí Antiquity viết.
Các nhà nghiên cứu đã nhờ tới các máy quét laser từ trên cao, có "khả năng độc nhất vô nhị là nhìn xuyên qua các lớp thực vật và đem tới các hình mẫu có độ phân giải cao về nền của rừng".
Họ phải lập bản đồ của toàn khu vực theo hai chiến dịch riêng biệt – lần đầu vào năm 2012 trên khoảng 37 km2 và lần hai là năm 2015 trên khoảng 975 km2.
Kết quả từ việc quét trên không cùng với các thông tin thu thập từ điều tra thực địa đã được tổng hợp để tạo nên một bản đồ trong đó thể hiện các trục đường và con phố chính của kinh đô. Bản đồ cũng chỉ ra chi tiết vị trí của các công trình như hồ chứa chứa nước chưa hoàn thiện, đập nước, các bức tường của đền thờ, thậm chí là một cung điện…
Theo bài báo, những phát hiện trên đã mở ra cánh cửa để tìm hiểu thêm về Đế chế Khmer và vùng Angkor. Nó cho thấy những người xây dựng kinh đô đã vận dụng quy hoạch đô thị, "một hệ thống dẫn nước tinh tế" và các phát kiến khác.
Một phát hiện đáng kinh ngạc là thành phố được xây dựng trên các trục tuyến tính chiếu theo các hướng đông tây nam bắc – giống như một phiên bản đời đầu của hệ thống lưới áp dụng trong quy hoạch các đô thị hiện đại.