Lộ diện nhà đầu tư siêu dự án LNG 2,5 tỷ USD tại Hà Tĩnh
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý chủ trương nghiên cứu, đầu tư xây dựng Nhà máy điện LNG và Trung tâm kho cảng LNG tại khu kinh tế Vũng Áng với tổng vốn đầu tư hơn 60.000 tỷ đồng.
Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đồng ý chủ trương nghiên cứu, đầu tư xây dựng Nhà máy điện LNG và Trung tâm kho cảng LNG (Dự án tổ hợp Điện - khí LNG Vũng Áng III ) tại Khu kinh tế Vũng Áng theo đề xuất của Ban quản lý khu kinh tế tỉnh.
Siêu dự án điện khí 2,5 tỷ USD
Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế tỉnh và các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) tổ chức, thực hiện khảo sát, lập dự án và các nội dung liên quan theo đúng thẩm quyền, quy định.
Cuối tháng 2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã thống nhất triển khai dự án Nhà máy điện LNG và Trung tâm kho cảng LNG với quy mô công suất trước năm 2030 là 1.500 MW và công suất sau năm 2030 là 4.500 MW. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 60.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5 tỷ USD.
Mục tiêu dự án là để hình thành Trung tâm điện lực tại Khu kinh tế Vũng Áng, góp phần đảm bảo an ninh về năng lượng quốc gia, tạo điều kiện kích thích phát triển kinh tế xã hội, làm tiền đề cho phát triển ngành khai thác, xuất nhập khẩu khí đốt tự nhiên.
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, Nhà máy điện khí Vũng Áng III được quy hoạch với công suất 4.500 MW, diện tích khoảng 164 ha.
Trước đó, tháng 9-11/2023, PV Power có văn bản đề xuất nghiên cứu đầu tư Nhà máy điện LNG tổng mức đầu tư 2,1 tỷ USD và PV Gas đề xuất nghiên cứu đầu tư Trung tâm kho cảng LNG tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 1,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban quản lý khu kinh tế tỉnh, hiện PV Power và PV Gas đang mới bước đầu thực hiện nghiên cứu, khảo sát, chưa có số liệu cụ thể chính thức để đánh giá thẩm định, các dự án vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục làm rõ, tháo gỡ, xử lý để có thể triển khai.
Vingroup, T&T, Samsung, Siemens từng quan tâm đầu tư
Đáng chú ý, dự án tổ hợp Điện - khí LNG Vũng Áng III từng được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu và nộp hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng dự án này.
Chẳng hạn, Tập đoàn Vingroup năm 2020 đã có văn bản đề xuất khảo sát, nghiên cứu, đầu tư dự án Nhà máy điện LNG Vũng Áng III với tổng mức đầu tư 50.000 tỷ đồng. Tổng công suất nhà máy là 1.600 MW, diện tích sử dụng 160 ha đất liền và 100 ha mặt nước.
Tuy nhiên, theo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh, nhà đầu tư chưa có phương án đề xuất cụ thể, mới chỉ có văn bản quan tâm tìm hiểu dự án.
Năm 2019, liên doanh nhà đầu tư khác là Công ty Điện khí Siemens (Đức) và Công ty Samsung C&T (Tập đoàn Samsung Hàn Quốc) cũng đã làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất được nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3.
Phía Siemens đề xuất sẽ triển khai dự án điện khí có công suất 1.200-1.500MW, với tổng mức đầu tư khoảng 1,5-1,8 tỷ USD. Công ty Samsung C&T sẽ là đơn vị tổng thầu EPC của dự án.
Trước đó, năm 2018, liên danh CTCP Tập đoàn T&T (T&T Group) và PV Power cũng đã đề xuất đầu tư dự án Tổ hợp điện khí LNG Vũng Áng III với tổng mức đầu tư dự kiến 3,53 tỷ USD. Diện tích đất sử dụng là 123,8 ha đất liền và 100 ha mặt nước.
Đáng chú ý, liên danh 3 nhà đầu tư gồm 2 nhà đầu tư nước ngoài là Siemens Energy, KG Electric Corporation (KEPCO) và CTCP Tư vấn xây dựng điện 2 cũng từng có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất xin đầu tư dự án nhà máy điện Vũng Áng III. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4,59 tỷ USD.
Ngoài ra, 3 nhà đầu tư khác cũng từng muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án điện khí Vũng Áng 3 bao gồm: Tổng CTCP thương mại xây dựng, CTCP Thương mại và tư vấn Tân Cơ, liên danh CTCP Tập đoàn Hoành Sơn và CTCP Đầu tư và phát triển Đông Thịnh Phát.
Khu kinh tế Vũng Áng có diện tích hơn 22.000 ha, thành lập năm 2006. Đến tháng 7/2022, Khu kinh tế Vũng Áng đã thu hút được 153 dự án trong và ngoài nước vào đầu tư. Trong đó, có 55 dự án đầu tư nước ngoài; một dự án đầu tư theo hình thức BOT với số vốn đăng ký trên 15.769 triệu USD; 97 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký trên 60.300 tỷ đồng.