Lộ diện quái điểu 99 triệu tuổi chưa từng biết
Một miếng hổ phách tuyệt đẹp được tìm thấy ở Myanmar đã cung cấp manh mối đầu tiên về sự tồn tại của một quái điểu sống và chết song song với loài khủng long.
Theo Sci-News, mảnh hổ phách từ Myanmar là bằng chứng hóa thạch rõ ràng đầu tiên trên thế giới về sự thay lông của chim non Đại Trung Sinh. Nó cũng tiết lộ về một con chim non có cuộc đời "không giống với bất kỳ loài chim nào còn sống ngày nay".
Đại Trung Sinh chính là "kỷ nguyên quái vật" của Trái Đất, gồm 3 kỷ Tam Điệp - Jura - Phấn Trắng, chứng kiến sự ra đời và lụi tàn của loài khủng long. Một nhóm sinh vật hiện đại - chim - cũng có những bước tiến hóa sơ khai đặc biệt vào thời đại đó.
Công bố trên Cretaceous Reseach, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi TS Jingmai O'Connor từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Field (Mỹ) cho biết loài quái điểu cổ đại mà tàn tích nói trên hé lộ thuộc về một nhóm có tên là Enantiornithes, đã tuyệt chủng cùng với khủng long trong thảm họa tiểu hành tinh Chicxulub 66 triệu năm trước.
Nhưng chúng là mối liên kết tuyệt vời để chúng ta hiểu về các loài chim sơ khai đã tiến hóa như thế nào, vì Enantiornithes là nhóm chim đa dạng nhất của kỷ Phấn Trắng, người họ hàng với dòng tổ tiên của các loài chim hiện đại.
Con chim sở hữu chiếc lông hóa thạch này lại là loài chưa từng biết, thuộc về các Enantiornithes thời kỳ sau, khi loài chim đã bắt đầu chuyển đổi từ trạng thái sơ khai sang phiên bản hiện đại, giống ngày nay hơn.
So với chim ngày nay, con chim non này đã sở hữu bộ lông "trưởng thành" quá sớm, điều sẽ khiến chúng có một "tuổi thơ" vất vả, vì chim sơ sinh Enantiornithes không được bảo vệ đủ lâu bởi cha mẹ như chim non ngày nay.
Thay lông vốn là quá trình nguy hiểm với chim non, vì cần nhiều năng lượng nên sẽ khiến con chim khó tự giữ nhiệt. Chim sơ khai thường thay lông chậm vì trải qua thời thơ ấu khá "bơ vơ", khác với chim ngày nay đa phần được sưởi ấm bởi cha mẹ nên có thể thay lông sớm.
Loài quái điểu mới dường như là sinh vật chuyển tiếp: Nó thay lông rất sớm nhưng đồng thời vẫn phải "tự lập" sớm.
Kết quả này vô tình giải thích bí ẩn từ lâu về sự tuyệt chủng của toàn bộ Enantiornithes khi tiểu hành tinh Chicxulub va chạm và khiến môi trường trở nên khó sống trong một thời gian dài. Nhiệt độ môi trường khi đó được cho là giảm mạnh bởi tro bụi núi lửa phủ kín bầu trời suốt hàng thế kỷ, ngăn ánh nắng.
Đó cũng là lý do những sinh vật chịu lạnh kém, kém thích nghi hay đơn giản là quá to nên khó tìm thức ăn như khủng long bị tuyệt diệt trong thảm họa; trong khi những tổ tiên động vật có vú của chúng ta lại sống sót và là nền tảng của một lớp động vật phong phú mới.