Lộ diện quái vật chưa từng thấy, có họ với khủng long, rắn, rồng
Một quái vật biển dài đến 8 mét vừa được khai quật ở Morocco là bằng chứng sống động cho thế giới sinh vật đa dạng trước khi tiểu hành tinh Chicxulub đâm vào Trái Đất.
Theo EurekAlert, quái vật biển mới là một loài thương long (mosasaur) chưa từng được ghi nhận trước đó. Thương long cũng là thằn lằn như khủng long, nhưng thường có vẻ ngoài giống những con cá heo hay cá mập và sống dưới nước.
Loài mới, được đặt tên là Pluridens serpentis, trông như con cá heo khổng lồ và quái dị với bộ hàm dài và mảnh với hơn 100 chiếc răng sắc nhọn như nanh để ngoạm những con mồi nhỏ như cá và mực. Hóa thạch cho thấy nó sống vào cuối kỷ Phấn Trắng - kỷ nguyên hoàng kim của loài khủng long, kết thúc 66 triệu năm trước khi tiểu hành tinh Chicxulub đâm vào Trái Đất.
So với các loài có liên quan, nó có đôi mắt nhỏ, khả năng nhìn kém hơn, nhưng lại sở hữu chiếc mõm có hàng chục lỗ mở cho các dây thần kinh, cho thấy khả năng săn mồi siêu hạng thông qua việc cảm nhận chuyển động của nước và sự thay đổi áp suất tinh vi, tương tự như loài rắn biển ngày nay.
Tiến sĩ Nick Longrich, giảng viên cấp cao tại Trung tâm Tiến hóa Milner tại Đại học Bath (Anh), tác giả chính của nghiên cứu, cho thấy loạt dây thần kinh phức tạp trên mặt này cho thấy nó có thể săn mồi tốt trong cả điều kiện ánh sáng yếu của đêm tối hoặc trong vùng nước sâu, tối.
Theo Science Daily, quái vật kỷ Phấn Trắng này thuộc một dòng họ phức tạp, ngoài mối quan hệ anh em với khủng long còn liên quan tới cả loài rắn và rồng Komodo ngày nay.
Morocco cũng là một "mỏ vàng" thương long đối với các nhà cổ sinh vật học, với số loài đa dạng đến không tưởng. Có vẻ dòng dõi thương long đang đạt tới thời hoàng kim, phát triển mạnh mẽ khắp mọi đại dương ngay trước khi tiểu hành tinh Chicxulub đâm vào Trái Đất. Tiểu hành tinh này không chỉ gây tuyệt chủng cho toàn bộ khủng long trên mặt đất, mà các loài thằn lằn khổng lồ khác như thương long, ngư long dưới nước và dực long của bầu trời cũng chịu chung số phận.