Văn phòng Trưởng ban Kiểm tra Vận hành và Đánh giá hoạt động (DOT&E) thuộc Lầu Năm Góc hôm 14/1 công bố báo cáo về các dự án vũ khí được Mỹ triển khai trong năm tài khóa 2020, kéo dài từ ngày 1/10/2019 đến 30/9/2020, trong đó đề cập tới mẫu AGM-179A, còn gọi là Tên lửa Đối đất Liên quân (JAGM).
Giới chuyên gia phân tích tại chiến trường Trung Đông cho biết Mỹ đã sử dụng tên lửa AGM-179A trong vụ hạ sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, hôm 3/1/2020 bên ngoài sân bay quốc tế Baghdad của Iraq.
Hình ảnh tìm thấy tại hiện trường vụ sám sát cho thấy đây là tên lửa AGM-179A với cân nặng 52 kg. Trước đó thông tin cho rằng Mỹ đã sử dụng AGM-114 Helfire.
"Chương trình AGM-179 đã hoàn tất 87 lần bắn thử để kiểm tra độ an toàn, khả năng tích hợp và thử nghiệm chiến đấu chống lại hàng loạt mục tiêu khác nhau. AGM-179A đã phóng thành công, vô hiệu hóa xe thiết giáp hạng nặng và nhẹ, cơ sở hạ tầng, binh sĩ ở nơi trống trải, mục tiêu hàng hải và một số mục tiêu phiến quân bí mật như xe tải và ô tô", Văn phòng Trưởng ban Kiểm tra Vận hành và Đánh giá hoạt động (DOT&E) thuộc Lầu Năm Góc thông báo.
Dự án AGM-179A bắt đầu được sản xuất hàng loạt với công suất thấp vào năm 2018, trước khi lục quân Mỹ tuyên bố loại vũ khí này đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu sơ bộ vào năm 2019.
Hàng loạt thử nghiệm tác chiến và đánh giá vẫn đang được tiến hành nhằm tích hợp AGM-179A lên máy bay không quân, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo là DOT&E xác nhận AGM-179A đã được sử dụng trong chiến đấu, kèm theo ảnh mô phỏng thân đạn với dòng chữ "Cảnh báo".
Tên lửa AGM-179A được trang bị trên các máy bay chiến đấu không người lái MQ-9. Đây cũng là loại UCAV đã tấn công tướng Soleimani
Chương trình AGM-179A khởi động từ năm 2007 sau khi dự án AGM-169A bị hủy bỏ.
Tập đoàn Lockheed Martin và Raytheon được giao hợp đồng phát triển thiết kế tên lửa năm 2012, đề xuất của Lockheed Martin giành chiến thắng sau đó một năm.
Tên lửa AGM-179A về cơ bản là biến thể AGM-114R Hellfire II được chỉnh sửa và trang bị đầu dò kép. AGM-179A có thể bám bắt mục tiêu theo chế độ laser bán chủ động hoặc đầu dò radar chủ động bước sóng milimet. Nó có thể kết hợp cả hai đầu dò trong một lần công kích.
Sự kết hợp này cho phép tên lửa AGM-179A công kích được nhiều mối đe dọa khác nhau trên chiến trường, ngay cả khi chùm tia laser chiếu xạ mục tiêu bị cản trở bởi các yếu tố môi trường như mây mù và bụi.
Đầu dò kiểu mới khiến quả đạn AGM nặng khoảng 52 kg, so với mức 49 kg trở xuống của mọi phiên bản trong dòng AGM-114 Hellfire II.
Quân đội Mỹ chưa bao giờ xác nhận sử dụng tên lửa AGM-179A để hạ sát tướng Soleimani. Lục quân Mỹ thường che mờ những dấu hiệu ở đuôi tên lửa trong các bức ảnh được công bố khi thử nghiệm, điều khá lạ lùng khi khối lượng quả đạn là thông tin công khai.
"Những điều này dường như không có nhiều ý nghĩa nếu không có ảnh mảnh tên lửa được tìm thấy sau vụ hạ sát tướng Soleimani, trong đó cho thấy những dòng chữ giống hệt hình mô phỏng trong báo cáo của DOT&E. Từng có một số nhận định cho rằng JAGM được dùng trong vụ tấn công, thay vì các quả đạn AGM-114 Hellfire II", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận xét.
Ngoài vụ hạ sát tướng Soleimani, AGM-179A còn được cho là cũng được dùng trong ít nhất hai vụ không kích ở Syria hồi năm 2016 nhằm kiểm tra tính năng thực chiến..
Giới chuyên gia cho rằng AGM-179 được chọn nhờ đầu dò kép, giúp tăng khả năng đánh trúng đích bất chấp điều kiện môi trường. Công nghệ này rất được ưu tiên khi nhắm vào các mục tiêu đơn lẻ có giá trị cao, khi khoảng thời gian công kích rất nhỏ và cơ hội tung đòn tấn công là cực kỳ hiếm.
"Quyết định dùng AGM-179A để hạ sát Soleimani, mục tiêu đặc biệt nhạy cảm ở một khu vực rất nhạy cảm, có vẻ là lựa chọn chính xác nếu xét về mặt công nghệ vũ khí", ông Trevithick nói.
Việt Hùng