Lộ diện ứng viên tiềm năng cho ghế thủ tướng Thái Lan
Tuyên bố sau khi bị bãi nhiệm chức thủ tướng Thái Lan hôm 14-8, ông Srettha Thavisin cho biết bản thân rất buồn nhưng chấp nhận phán quyết của Tòa án Hiến pháp.
Tòa án Hiến pháp tuyên bố ông Srettha vi phạm các quy tắc đạo đức khi bổ nhiệm một luật sư từng ngồi tù vào nội các.
Phát biểu sau khi có phán quyết, ông Srettha cho biết ông đã thực hiện nhiệm vụ tốt nhất có thể với tư cách là thủ tướng, đồng thời không chắc liệu chính phủ mới có tiếp tục thực hiện các chính sách của ông hay không.
Chánh văn phòng của ông Srettha, Prommin Lertsuridej, nói với hãng tin Reuters rằng quốc hội Thái Lan sẽ triệu tập vào ngày 16-8 để bỏ phiếu bầu thủ tướng mới.
Hồi tháng 5, một nhóm 40 cựu thượng nghị sĩ đã nộp đơn kiện chống lại ông Srettha lên tòa, đề nghị cách chức ông vì bổ nhiệm ông Pichit Chuenban, trợ lý thân cận của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, vào nội các.
Ông Pichit từng bị kết án tù 6 tháng vào năm 2008 vì tội khinh thường tòa án sau khi cố gắng hối lộ các viên chức Tòa án Tối cao trong một vụ án đất đai liên quan đến cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Trước khi có phán quyết hôm 14-8, ông Srettha phủ nhận hành vi sai trái và cho biết ông Pichit Chuenban, người đã từ chức, được thẩm tra đúng cách và tuân thủ đúng các thủ tục.
Phó Thủ tướng Phumtham Wechayachai dự kiến đảm nhiệm vị trí thủ tướng tạm quyền. Theo đài CNN, với việc ông Srettha bị phế truất, các cuộc đàm phán chính trị sẽ được khởi động lại. Trước mắt, một chính phủ mới sẽ được thành lập và liên minh cầm quyền do đảng Pheu Thai lãnh đạo sẽ đề cử một ứng viên mới cho chức thủ tướng.
Ứng viên này phải trải qua cuộc bỏ phiếu tại quốc hội. Những gương mặt sáng giá cho vị trí ứng viên thủ tướng được cho là gồm lãnh đạo đảng Pheu Thai Paetongtarn Shinawatra (con gái út của ông Thaksin), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anutin Charnvirakul và lãnh đạo đảng Palang Pracharat thân quân đội Prawit Wongsuwan.
Theo một số chuyên gia chính trị, có khả năng đảng Pheu Thai vẫn có đủ sự ảnh hưởng để lãnh đạo chính quyền tiếp theo. Chuyên gia Olarn Thinbangtieo, phó khoa Khoa học Chính trị và Luật tại Trường ĐH Burapha, cho rằng: "Liên minh vẫn đoàn kết. Có thể xuất hiện một số tác động đến lòng tin nhưng điều đó sẽ diễn ra trong ngắn hạn".
Chiến lược gia Nuttachart Mekmasin tại Công ty tư vấn tài chính Trinity Securities nhận định: "Đây là một bất ngờ tiêu cực. Vụ việc được xem là rủi ro trực tiếp đối với nền kinh tế. Niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Chi tiêu và đầu tư sẽ chậm lại cho đến khi chính phủ mới được thành lập".