'Lộ' giá đất các huyện sắp lên quận ở Hà Nội theo khung giá mới

Theo bảng giá đất mới của Hà Nội, trong 5 huyện sắp lên quận thì Thanh Trì là nơi có giá đất sau điều chỉnh cao nhất với gần 117 triệu đồng/m2.

UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 71 nhằm quy định và điều chỉnh bảng giá đất tại Thủ đô có hiệu lực áp dụng từ ngày 20/12 đến hết năm 2025.

Theo bảng giá đất mới, tại 5 huyện sắp lên quận: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng giá đất sau điều chỉnh tăng bình quân khoảng 200%. Trong đó, huyện Thanh Trì là nơi có giá đất tăng cao nhất.

Tuyến đường Nguyễn Xiển (đoạn qua xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) có giá đất cao nhất gần 117 triệu đồng/m2. Ảnh: Ninh Phan.

Tuyến đường Nguyễn Xiển (đoạn qua xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) có giá đất cao nhất gần 117 triệu đồng/m2. Ảnh: Ninh Phan.

Cụ thể, giá đất ở tuyến đường Nghiêm Xuân Yêm (đoạn qua xã Tân Triều và đoạn từ Cầu Dậu đến hết xã Thanh Liệt), Nguyễn Xiển (đoạn qua xã Tân Triều) và Phạm Tu (từ giáp phường Đại Kim đến ngã tư giao cắt đường Cầu Bươu tại nút giao Phúc La – Cầu Bươu) thuộc huyện Thanh Trì có mức cao nhất gần 117 triệu đồng/m2.

Như vậy, so với bảng giá đất năm 2019, mức giá mới tại đường Nghiêm Xuân Yêm tăng cao nhất gần 520%. Trong khi đó, đường Nguyễn Xiển tăng thêm khoảng 260%.

Tại khác tuyến đường khác của huyện Thanh Trì, giá đất dao động từ 50-73 triệu đồng/m2, là trục các tuyến đường (thị trấn): Đường Ngọc Hồi, Phan Trọng Tuệ, đường vào Công an huyện Thanh Trì. Tuyến đường địa phương thuộc các xã như Tân Triều, Tả Thanh Oai dao động từ 11-64 triệu đồng/m2.

Tại huyện Gia Lâm, đường Hà Huy Tập (thị trấn Yên Viên) có giá cao nhất sau điều chỉnh là 68,14 triệu đồng/m2, tăng 195%. Đường Nguyễn Đức Thuận (thị trấn Trâu Quỳ) là 65,13 triệu đồng/m2, tăng hơn 310%, khu vực giáp ranh quốc lộ 5, quốc lộ 1B có giá 64 triệu đồng/m2 sau điều chỉnh.

Tại huyện Đông Anh, giá đất cao nhất sau điều chỉnh là 46 triệu đồng/m2 tại đường quốc lộ 3 và đường Cao Lỗ (đoạn qua thị trấn Đông Anh); tiếp đến các tuyến đường ngã tư nhà máy ô tô 1/5, QL3 - Đông Thành, QL3 - Đông Anh, Lâm Tiên… có giá 40 triệu đồng/m2 sau điều chỉnh.

Tại huyện Hoài Đức, tuyến đường Vạn Xuân (đoạn qua xã Kim Chung) có giá cao nhất là gần 53,4 triệu đồng/m2; (đoạn qua thị trấn Trạm Trôi) là 52 triệu đồng/m2; tiếp đến là giá đất khu vực giáp ranh Đại lộ Thăng Long (đoạn qua xã An Khánh) có giá 51 triệu đồng/m2…

Tại huyện Đan Phương, đối với khu vực thị trấn được xác định theo các tuyến đường: Quốc lộ 32, tỉnh lộ 417, Tân Hội, đường Phùng, đường từ QL32 đi cụm công nghiệp thị trấn Phùng; Phường Trì, Thụy Ứng, Ô Diên, Song Phương… có giá dao động từ 30-46 triệu/m2 sau điều chỉnh.

Được biết, bảng giá đất mới là căn cứ để tính tiền bồi thường, xác định giá đất cho người tái định cư với người được bồi thường về đất ở; tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bảng giá cũng được dùng điều chỉnh các khoản phí và lệ phí liên quan đến sử dụng, chuyển nhượng đất hoặc khi làm các thủ tục hành chính về đất đai...

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng phát triển 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) thành quận, Hà Nội đặt ra lộ trình, hai huyện Đông Anh, Gia Lâm sẽ lên quận đầu năm 2025; Thanh Trì, Hoài Đức phấn đấu lên quận cuối năm 2025…

Ninh Phan

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lo-gia-dat-cac-huyen-sap-len-quan-o-ha-noi-theo-khung-gia-moi-post1703874.tpo