Lò gốm Hưng Lợi và diễn tiến 'xóa sổ' một di tích quốc gia

Năm 1998 Lò gốm cổ Hưng Lợi được công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia. Vậy nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi mốc thời gian ấy cũng đánh dấu một tương lai đầy 'bi thương' của di tích này, khi bị bỏ hoang dẫn tới người dân mặc nhiên lấn chiếm, thậm chí san phẳng... Vụ việc đang được cơ quan điều tra công an quận 8 thụ lý điều tra.

1.

TS. Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM - một trong những người khai quật, nghiên cứu và cung cấp tư liệu để làm hồ sơ di tích cấp quốc gia cho lò gốm Hưng Lợi, không quá bất ngờ khi phóng viên chuyển tới hình ảnh mới nhất chụp di tích này. Nữ chuyên gia khảo cổ chỉ lấy làm tiếc, vì: “Với tôi, ấn tượng và kết quả nghiên cứu quan trọng nhất của lò gốm cổ Hưng Lợi là lần đầu tiên phát hiện một khu lò cổ còn khá nguyên vẹn về cấu trúc, qua đó nhận biết được các giai đoạn sản xuất và những sản phẩm đặc trưng”.

Quan trọng hơn, theo TS. Hậu “nó cho biết sự phát triển kỹ thuật sản xuất của khu lò gốm này từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX - giai đoạn mà sản phẩm “gốm Sài Gòn” (còn gọi là gốm Cây Mai) phổ biến và đạt được trình độ cao ở đồ gốm trang trí, kiến trúc, đồng thời rất đa dạng về gốm gia dụng. Đây là những yếu tố có thể phát huy trong những sản phẩm gốm hiện nay ở Nam bộ.

Mặt khác, đây là bằng chứng lịch sử của một làng nghề thủ công nổi tiếng của đô thị Sài Gòn xưa giai đoạn mới khởi lập “xóm lò gốm” mà nay chỉ còn lại dấu tích qua vài địa danh như kênh, rạch Lò Gốm, đường Lò Siêu, đường Xóm Đất...”.

Lò gốm khi được khai quật năm 1998. Ảnh: TL

Lò gốm khi được khai quật năm 1998. Ảnh: TL

Di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi thuộc phường 16 (quận 8), không nằm trong phạm vi khu vực trung tâm nhưng nằm trong khung niên đại hình thành đô thị Sài Gòn. Đây là di tích khảo cổ học duy nhất trong nội thành TP.HCM được khai quật. Bản đồ Thành Gia Định do Trần Văn Học vẽ từ cuối năm 1815 đã có ghi địa danh xóm Lò Gốm ở khoảng làng Phú Lâm - Phú Định (ngày nay là khu vực quận 6 tiếp giáp quận 8). Trong 62 ty thợ tập trung tại Sài Gòn làm việc cho nhà nước vào cuối thế kỷ XVIII đã có các ty thợ lò chum, ngói mộc, gạch mộc, lò gạch...

Trao đổi với phóng viên Người Đô Thị sáng 24.6, một lãnh đạo Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an quận 8), xác nhận vụ việc ngày 11.3 vừa qua người dân đã cho xe san ủi khu di tích khảo cổ học cấp quốc gia - lò gốm Hưng Lợi. Cơ quan điều tra Công an quận 8 thụ lý vụ án và động thái mới nhất là đã gửi công văn về vụ việc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc di tích lò gốm Hưng Lợi sang Viện Kiểm sát Nhân dân quận 8 và đang chờ quyết định xử lý.

Một vài tài liệu của Pháp cũng phản ánh về việc sản xuất gốm ở Chợ Lớn vào cuối thế kỷ XIX. Dấu tích vật chất của xóm Lò Gốm nay chỉ còn lại di tích lò gốm Hưng Lợi thuộc làng Hòa Lục (phường 16, quận 8), nằm ven kênh Ruột Ngựa. Di tích là gò lớn chứa đầy mảnh gốm của các loại lu, khạp, siêu, chậu... Cuộc khai quật năm 1997 - 1998 đã tìm thấy tại đây phế tích ba lò gốm kiểu lò ống (lò Tàu) là loại lò thông từ bầu lửa đến ống khói, dốc và hẹp, nền lò được gia cố nhiều lần, thành lò đắp dày bằng phế phẩm.

Giai đoạn đầu (nửa sau thế kỷ XVIII) khu lò chủ yếu sản xuất lu chứa nước bằng chất liệu sành nâu, dáng thuôn vào đáy hoặc bầu tròn, kích thước khá lớn. Giai đoạn thứ hai (nửa đầu thế kỷ XIX) sản xuất các loại gốm và sành men nâu, men vàng hoặc không men: hũ, khạp, hộp, siêu... dưới đáy có in ba chữ Hán “Hưng Lợi diêu” (lò Hưng Lợi). Bên cạnh đó là các kiểu chậu bông hình tròn hay lục giác, bát giác phủ men xanh lam hay xanh đồng - màu men đặc trưng của “gốm Sài Gòn”...

Giai đoạn thứ ba (từ cuối thế kỷ XIX) sản xuất các loại chén, tô, đĩa, ly, cốc, muỗng, ấm trà, lư hương... men trắng hoa văn men xanh và men nhiều màu, chai men trắng ngà. Khu lò gốm này tồn tại đến nửa đầu thế kỷ XX.

Nhưng rồi trở thành phế tích chỉ ít năm sau khi được công nhận là Di tích Quốc gia.

Nhưng rồi trở thành phế tích chỉ ít năm sau khi được công nhận là Di tích Quốc gia.

Gắn với Lò gốm Hưng Lợi từ thời điểm khai quật vào năm 1997 - 1998 cho mãi đến sau này, TS. Hậu sau đó thường xuyên có ý kiến về việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích độc đáo này trong các cuộc hội nghị, hội thảo khoa học, trên báo chí... đồng thời cảnh báo về tình trạng di tích bị lấn chiếm và xuống cấp trầm trọng.

Đầu những năm 2000, sau nhiều kiến nghị thì quận 8 (địa phương có di tích) có phản hồi về sự khó xác lập ranh giới di tích cho các hộ dân xung quanh, đặc biệt một số gia đình đã sinh sống từ lâu đời tại đó: “Những năm sau này cùng với việc chưa xác lập rõ ràng chủ quyền là các cấp quản lý nêu vấn đề khó khăn về kinh phí cho người bảo vệ, che chắn bảo tồn di tích... Thực sự chúng tôi rất hiểu những khó khăn của địa phương và sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) nhất là khi khu vực này đô thị hóa rất nhanh, nhưng 20 năm không tích cực và quyết liệt bảo vệ giữ gìn di tích, thậm chí đó là sự thờ ơ vô trách nhiệm... nên bây giờ hậu quả như vậy là điều thấy trước”, TS. Hậu buồn giọng.

Thực ra thời gian đầu được công nhận di tích quốc gia, lò gốm cổ này được “đối đãi” khá chu đáo. Các cơ quan hữu quan của thành phố đã bắt tay khoanh vùng bảo vệ, đặc biệt đã xây tường ngăn để chống xâm hại, lấn chiếm di tích. Xây cổng kiên cố và làm nhà che khu lò mới khai quật. “Chính nhờ có mái che mà vài năm sau, hiện trường di tích được đảm bảo, lò gốm cổ tuy không hoàn hảo nhưng vẫn giữ được hiện trạng các hố khai quật khảo cổ làm xuất lộ vách ngăn lò, ống khói, vách lò và những bờ bao chống lò ở vách đông cùng những cửa ra vào sản phẩm...”, TS. Hậu nhận định.

Thế nhưng, chỉ độ mười năm sau trở lại, một hình ảnh khác về di tích này đập vào mắt chuyên gia khảo cổ, đầy xót xa và bàng hoàng: lối đi vào di tích từ phía Bắc đã bị bít kín bằng khu mộ trước đây và hiện nay có thêm nhiều nhà ở. Trong khu di tích cỏ dại rậm rạp, đặc biệt là nhiều cây keo phát triển xanh tốt trùm gần hết khu lò nung gốm, rễ cây ăn sâu vào lớp đất sẽ làm sụp đổ di tích. Hàng rào xung quanh đoạn còn đoạn mất, di tích hiện nay như một khu vực đất hoang.

Đặc biệt, phần chính của di tích (lò gốm) đã bị thời tiết, mưa nắng và con người san bằng gần như toàn bộ làm cho không thể xác định các vị trí đâu là cửa lò, vách lò... Các lớp đáy của lò chồng lên nhau cũng bị đất lấp kín. Những dấu tích lò trong quá trình khai quật đã giữ lại để bảo tồn bị người dân vào lấy đất và mảnh sành về san lấp lối đi. Những khu vực còn lại bị cỏ cây và cây keo lớn mọc kín... Sự thờ ơ thậm chí phá hoại của con người, sự vô trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa các cấp đã biến di tích khảo cổ học cấp quốc gia thành một “phế tích” (*).

2.

Điều đáng giật mình là từ năm 2001, báo chí bắt đầu đặt vấn đề di tích lịch sử lò gốm Hưng Lợi bị lãng quên. Đặc biệt là thời điểm tháng 1.2018, báo đài đã liên tục phản ánh về thực trạng lò gốm 300 năm tuổi bị bỏ hoang. Cảnh báo là vậy nhưng tình hình không những không được cải thiện mà chiều hướng còn xấu đi. Trong tuyến bài liên quan đến lò gốm Hưng Lợi, Báo Văn hóa phản ánh theo hồ sơ công nhận, vùng lõi di tích (khu vực bảo vệ bất khả xâm phạm) có chiều dài 100m, rộng 100m với tổng diện tích 10.000m2. Thế nhưng, người dân đã tự ý thuê xe ủi tiến hành san lấp đất, trồng cây xanh trong khu vực bảo vệ.

Ông Lê Minh Tâm - Phó chủ tịch UBND phường 16 (hiện nay ông Tâm là Quyền chủ tịch UBND phường 16), xác nhận về vụ thuê xe ủi để san lấp mặt bằng làm thay đổi hiện trạng khu bảo vệ di tích khảo cổ và diện tích đất bị san phẳng khoảng 200m2, diễn ra ngày 14.7.2017. Công an quận 8 thụ lý hồ sơ xác định hành vi vi phạm về xâm hại di tích...

Người dân phơi quần áo, để vật dụng ngay trước cổng di tích quốc gia

Người dân phơi quần áo, để vật dụng ngay trước cổng di tích quốc gia

Trung tuần tháng 6.2019 phóng viên Người Đô Thị tìm tới di tích này. Con hẻm 39/18 Nguyễn Ngọc Cung dẫn vào di tích quốc gia vẫn ngoằn ngoèo nhưng càng về cuối cảm tưởng như đó là lối bộ hành của một dãy nhà trọ. Cánh cổng sắt còn mới của di tích với ổ khóa dán niêm phong, tường rào bằng thép B40 kế bên treo bảng thông báo, trong đó có dòng chữ to “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại di tích”. Vậy nhưng, ngay trước cánh cổng sắt của lò gốm cổ Hưng Lợi -“là di tích có giá trị đặc biệt của quốc gia” (khoản 3, điều 29 Luật Di sản văn hóa), người dân mặc nhiên phơi phóng quần áo, bày biện vật dụng.

Tuy nhiên, nhìn vào bên trong “di tích” mới thấy bất ngờ bởi đó chỉ là một nền đất trống, trên đó cắm chơ vơ tấm biển có nội dung tương tự như tấm biển treo gần cổng sắt. Đem thắc mắc tại sao di tích lò gốm cổ giờ nhìn như một nền đất mới bị giải phóng mặt bằng, Quyền chủ tịch UBND phường 16 Lê Minh Tâm cho biết tháng 3 vừa qua dân lại vừa mới cho xe vào ủi. Vị này thừa nhận, hành động hủy hoại di tích này diễn ra vào ngày cuối tuần đến thứ Hai chính quyền địa phương mới biết. Địa phương lập tức cho làm lại hàng rào, lắp cổng sắt, dựng biển cảnh báo như vừa kể. Điều đáng quan ngại là lúc cơ quan công an đang thụ lý điều tra vụ án san lấp hủy hoại di tích (từ năm 2017) thì nay tình trạng này lại tái diễn và chính quyền địa phương thì “mất bò mới lo làm chuồng”.

Đáng buồn hơn, khi chúng tôi hỏi đường đến lò gốm Hưng Lợi, đa số người dân, dù cách đó chỉ ít trăm mét lại không biết đến sự tồn tại của di tích cấp quốc gia này. Di tích thì đã bị san phẳng, không lẽ lịch sử của nó cũng mất luôn trong ký ức người dân chỉ vì sự hững hờ của cả công tác bảo vệ lẫn tuyên truyền về di tích đã được xếp hạng.

Nhóm Phóng viên - Ảnh: Trung Dũng

______________

(*) Trích từ cuốn Đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Khảo cổ học và bảo tồn di sản của TS. Nguyễn Thị Hậu

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/lo-gom-hung-loi-va-dien-tien-xoa-so-mot-di-tich-quoc-gia-19294.html