'Lỗ hổng' chất thải y tế

Hàng triệu chiếc khẩu trang y tế, găng tay y tế, quần áo bảo hộ... đã qua sử dụng được tái chế, để tuồn ra thị trường tiêu thụ, bị các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện trong thời gian qua, đang khiến dư luận hết sức lo ngại.

Điển hình là ngày 24-8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương phát hiện, thu giữ trên 47 tấn găng tay y tế đã qua sử dụng, trong đó có 36,5 tấn (156.000 đôi) găng tay đã tái chế và 11 tấn găng tay, quần áo bảo hộ là rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Nhiều người thực sự “sốc” khi chủ cơ sở sản xuất khai nhận, toàn bộ số tang vật trên được thu gom, mua lại từ nhiều nguồn, để tổ chức gia công, phân loại, đóng gói bán cho đối tác.

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, những vật tư y tế “bẩn” mang bao nhiêu mầm bệnh nguy hiểm trên nếu lọt ra thị trường thực sự là hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe của cộng đồng và đe dọa những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của cả nước.

Câu hỏi mà dư luận bức xúc đặt ra là bằng cách nào mà hàng chục tấn găng tay y tế đã qua sử dụng không bị tiêu hủy và dễ dàng lọt vào tay các cá nhân, cơ sở tái chế bất lương.

Cơ quan chức năng nhận định, đang có những đường dây chuyên cung cấp vật tư y tế đã qua sử dụng (nhiều nhất là găng tay y tế) cho một số cơ sở sản xuất thủ công hoạt động tái chế phi pháp. Hoạt động tái chế thực chất là “mông má”, “làm sạch” vật tư y tế đã qua sử dụng, để thu lợi bất chính.

Đại diện một số bệnh viện, cơ sở y tế khẳng định, găng tay y tế thuộc chất thải y tế nguy hại lây nhiễm khi dùng xong, tháo ra là cho ngay vào túi, thùng bảo quản riêng. Sau đó, đơn vị môi trường (ký hợp đồng với bệnh viện, cơ sở y tế) đến thu gom, đưa đi xử lý, tiêu hủy. Tuy nhiên, nếu việc quản lý, giám sát thiếu chặt chẽ sẽ không tránh khỏi những chất thải y tế nguy hại lọt ra ngoài.

Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh từ các bệnh viện trong cả nước khoảng 350 tấn/ngày. 100% bệnh viện tuyến Trung ương, 88% bệnh viện tuyến tỉnh, 54% bệnh viện tuyến huyện xử lý chất thải rắn y tế bằng lò đốt tại chỗ hoặc thuê công ty môi trường đô thị đốt tập trung; số bệnh viện còn lại đang xử lý bằng phương pháp thủ công, chôn lấp tại chỗ.

Chưa bàn đến công nghệ đốt, chôn lấp đã bị nhiều quốc gia phát triển loại bỏ và cấm vì phát sinh ra khí độc hại như dioxin và furan.... gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường. Đáng lo ngại là việc thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại đối với các cơ sở y tế tư nhân và một số bệnh viện nhỏ đang còn nhiều bất cập, khi việc ký hợp đồng với các cơ sở xử lý chất thải chuyên nghiệp còn mang tính đối phó, để hợp lệ thủ tục theo quy định. Đây chính là lỗ hổng để chất thải y tế nguy hại lọt ra khỏi quy trình xử lý.

Với hàng trăm tấn chất thải y tế phát sinh hằng ngày, cùng hàng nghìn cơ sở sản xuất tái chế vật tư y tế, lực lượng quản lý thị trường, công an khó lòng kiểm soát được hết các hành vi gian lận. Do vậy, việc siết chặt các khâu quản lý, xử lý chất thải y tế từ các cơ sở y tế là giải pháp hiệu quả nhất ngăn ngừa hiểm họa vật tư y tế “bẩn” lọt ra cộng đồng.

Thiết nghĩ, Nhà nước cần sớm bổ sung chế tài xử lý thật nặng những người mua bán vật tư y tế đã sử dụng; phạt bổ sung thêm tội làm lây lan bệnh truyền nhiễm đối với những cá nhân, cơ sở tái chế chất thải y tế nguy hại và những kẻ tiếp tay cho hành vi kinh doanh thiếu đạo đức này.

Quan trọng hơn, mỗi cá nhân, cơ sở kinh doanh cần văn minh, biết suy nghĩ đếnsức khỏe cộng đồng. Dịch bệnh đã làm cho cả thế giới chao đảo, đừng gieo rắc thêm mầm bệnh ra cộng đồng.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lo-hong-chat-thai-y-te-post432774.html