Nhức nhối nạn ăn xin đường phố
Trên các ngả đường của thành phố, ngày nắng cũng như đêm mưa, người ăn xin ngồi vật vờ, tiều tụy luôn là cảnh tượng đau lòng và nhức nhối. Xót xa hơn khi nhiều trong số đó là trẻ em và người già, bao gồm cả các đối tượng bị bọn bất lương ép buộc, chăn dắt, dùng làm công cụ kiếm chác...
Những đứa trẻ đường phố
Đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn dưới chân cầu Kênh Tẻ (quận 7, TP Hồ Chí Minh) thường xuyên xuất hiện những đứa trẻ từ 3-10 tuổi. Mỗi ngày đi trên con đường này, phóng viên chứng kiến cảnh trẻ lớn cõng trẻ nhỏ trên lưng, hễ đèn đỏ là lao ra đường chìa tay xin tiền. Đứa này xin được thì lập tức những đứa khác chạy tới cầu khẩn, nài nỉ. Hình ảnh ấy đã đánh vào tình thương, lòng trắc ẩn của nhiều người khiến họ phải móc hầu bao.
Theo quan sát của chúng tôi, chỉ có trẻ em bị đẩy ra đường đứng xin, không hề thấy bóng dáng của người lớn. Có lần chúng tôi hỏi mấy đứa trẻ: “Ba mẹ đâu rồi?”. Chúng láo liếc đôi mắt rồi nói: “Mẹ đi bán vé số ở đằng kia”. Khi xin được tiền, chúng gói cẩn thận trong chiếc túi có khóa kéo, nếu ai cho đồ ăn thì chúng ngồi ngay trên vỉa hè và ăn. Quá giờ trưa, những đứa trẻ di chuyển về phía đường Lâm Văn Bền (quận 7) rồi có người phụ nữ chở đi bằng chiếc xe máy cà tàng.
Không còn xuất hiện ở địa điểm cũ, chúng tôi tưởng bọn trẻ được về nơi ở nghỉ trưa nhưng không phải vậy, tại chân cầu Phú Xuân (quận 7 giao với huyện Nhà Bè), một bà mẹ trẻ ôm đứa nhỏ khoảng gần 1 tuổi (là em bé hồi sáng địu trên lưng chị gái), ngồi thất thểu, đầu gục xuống cổ nhưng tay thì chìa nón ra xin một cách rất thê lương.
Ông Huỳnh Văn Ngư, người chạy xe ôm truyền thống ở chân cầu này cho biết, người mẹ trẻ này quê Sóc Trăng, có 3 đứa con, đứa lớn tầm 7 tuổi, đứa nhỏ nhất chưa tới 3 tuổi. “Cách đây hơn một năm, tôi thấy có người đàn ông hay lui tới nhưng lâu rồi chỉ còn 3 mẹ con. Mấy đứa con của cô này không đứa nào đi học cả, đều bị suy dinh dưỡng, ngày nào cũng bị đẩy ra đường xin tiền. Chúng tự trông nhau, tự đi xin, còn người mẹ thì hay ngồi ở một góc xa quan sát, khi nào được nhiều tiền thì mấy đứa chạy lại nộp”, ông Ngư cho biết.
Tiếp cận người mẹ, chúng tôi hỏi tại sao không đi làm việc gì đó, bán vé số chẳng hạn? Cô này vừa nói, vừa thở, thì thào như không còn chút hơi sức nào: “Em bị bệnh, không làm gì được, 3 đứa con cũng bị bệnh luôn, giờ phải đi xin tiền ăn và chữa bệnh”. Cô này cho biết, chồng bỏ rơi 4 mẹ con mấy năm nay, giờ chỉ biết đi ăn xin chứ không thể làm gì được.
Đi vào trung tâm quận 1, tại ngã tư Hai Bà Trưng - Lý Tự Trọng, một người phụ nữ tên Nhi bế đứa bé đỏ hỏn, tầm 3 tháng tuổi. Nhẫn tâm hơn nữa, người này còn luôn chìa mặt em bé ra nắng để chứng minh rằng, đó là em bé đáng thương cần giúp đỡ. Nhiều người cho tiền, cho sữa và quần áo nhưng người phụ nữ này vẫn không chịu rời đi, một mực than thở: “Con em bị bệnh, em cần một khoản tiền lớn để chữa chạy cho bé”. Khi chúng tôi ngỏ ý đưa bé đi bệnh viện kiểm tra và sẽ kêu gọi giúp đỡ thì Nhi một mực từ chối, với lời biện hộ: “Em đưa bé về quê, chỉ cần giúp em chút tiền thôi”. Tuy nhiên, dù có đủ tiền để về quê nhưng những ngày hôm sau, chúng tôi vẫn thấy Nhi ngồi ở ngã tư xin tiền.
Niềm vui nào cho em?
Thành phố về đêm, tại khu vực phố đi bộ Bùi Viện (quận 1) phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4), rất nhiều trẻ đi ăn xin, đi múa lửa, diễn xiếc rồi xin tiền khách du lịch. Đặc biệt, vào dịp nghỉ hè, đội quân ăn xin nhí này xuất hiện đông đảo hơn bình thường. Đêm cuối tuần, Thảo Vy (7 tuổi) dắt theo đứa em họ (5 tuổi) cầm trên tay xấp vé số đi qua lại nhiều vòng phố ẩm thực Vĩnh Khánh và liên tục chìa vé số mời khách. Thực tế, rất ít người mua vé số mà chủ yếu là cho tiền các em nhỏ.
Thảo Vy cho biết, quê ở Bình Thuận, dịp nghỉ hè này được mẹ đưa vào TP Hồ Chí Minh làm thêm kiếm tiền mua sách vở năm sau đi học. Mẹ Vy là nhân viên phục vụ quán cà phê, nhưng đang thất nghiệp. Mỗi tối, Vy được mẹ chở đến khu vực này bán vé số, còn mẹ thì ngồi ở phía xa chờ khi nào bán hết hoặc xin được một khoản kha khá thì về.
Chúng tôi nhờ Vy dẫn đến gặp mẹ em, Vy hồn nhiên chỉ chỗ mẹ hay ngồi là quán cà phê đầu đường 41. Nhưng, lạ thay, vừa nhìn thấy Vy đi với người lạ, người mẹ đã đứng phắt dậy rồi chạy vào trong con hẻm, mặc Vy ngơ ngác không hiểu chuyện gì.
Vy cho biết, phòng trọ của hai mẹ con ở rất xa, nơi đó mẹ ở cùng với một người đàn ông. Cứ sáng ra, ông kia và mẹ Vy đi ra khỏi nhà, chiều đến mới trở về đưa Vy đi làm. Cô bé làm được đồng nào phải nộp hết cho mẹ, vì mẹ nói đây là tiền mua sách vở đi học.
Những em bé kiếm tiền về đêm xuất hiện với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trong đó, Mạnh Tú (9 tuổi) có tài lẻ thổi lửa để bán tăm bông và kẹo cao su. Đến mỗi quán ăn, Tú lấy trong hộp ra một chiếc que nhỏ rồi nhúng chúng vào bình dầu. Dầu ngấm vào mảnh vải, Tú bật lửa bùng lên, em bắt đầu múa rồi thổi lửa. Điệu múa của Tú như kiểu “Sơn Đông mãi võ” nhưng khác ở chỗ em còn quá bé nên một số đường nét hơi vụng về và khô cứng. Tuy nhiên, với khuôn mặt ám khói cùng bộ tóc rối tung, Tú hoàn toàn lấy được tình thương của mọi người. Mỗi pha múa lửa, Tú vừa bán hàng, vừa được cho khoảng ngót trăm ngàn. Mỗi đêm, Tú kiếm được từ 500-700 ngàn đồng. Đó là số tiền lớn với một cậu bé 9 tuổi.
Nhưng, Tú lại chẳng bao giờ được sở hữu một đồng nào vì phải cống nộp cho người chú ruột hết. Tú kể, ba ở quê bị bệnh, không lao động được, mẹ thì bỏ đi từ lâu. Tú sống cùng ba và bà nội, mọi thứ đều một vai bà gánh vác. Hè năm nay, người chú gọi điện cho ba nói đưa thằng bé vào thành phố, chú kiếm việc làm để có tiền mua sách vở đi học.
Tú vào thành phố, lúc đầu chú bắt đi ra đường ăn xin, địa bàn xin ở khu vực đường Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức). Tú được hướng dẫn, hễ đèn đỏ là chạy ra chặn đầu ô tô xin tiền. Sau, thấy công việc không ăn thua, người chú đưa Tú qua phố ẩm thực Vĩnh Khánh. Muốn người ta thương và cho tiền thì phải làm gì đó, Tú được huấn luyện thực hiện những màn múa lửa. Mặt mũi thằng bé lúc nào cũng đen nhẻm, nhem nhuốc và cháy sém và như thế là đánh trúng lòng trắc ẩn của con người, rồi ai cũng phải thương mà cho thôi.
Tú hành nghề đến qua 12 giờ đêm mới về nhà trọ ở gầm cầu Kênh Tẻ (quận 4). Tú cho biết, sẽ ở thành phố làm, khi nào đi học mới trở về. Ông chú nói, nếu bỏ về sớm sẽ không có một đồng cắc nào, cũng chẳng có tiền xe về nhà luôn. Tú sợ ông chú, hễ nhắc đến là em lại rón rén, nhìn trước ngó sau.
Không chỉ trẻ em lang thang dọc dài các con phố xin tiền, mà người ăn xin cũng có mặt ở những giao lộ, ngã ba, ngã bảy với hình ảnh thật thê lương. Tại giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ (quận 5), một phụ nữ ôm con nhỏ ngồi ở cột đèn giao thông chìa nón lá xin tiền người đi đường. Thương đứa trẻ phơi mặt giữa nắng, bụi, một số người đi đường động lòng đã cho tiền. Xuôi dọc đại lộ Võ Văn Kiệt, theo hướng nút giao Tân Kiên (Bình Chánh) đến điểm giao giữa đường Hàm Nghi và Tôn Đức Thắng (quận 1) hay đường Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành, thỉnh thoảng lại bắt gặp hình ảnh người lang thang nằm ngủ trên vỉa hè, người ăn xin ôm theo một đứa trẻ hoặc người khuyết tật bò lết trên đường xin tiền với vẻ mặt nhăn nhó tội nghiệp khiến không ít người thương xót.
Đặc biệt, dưới chân cầu vượt Cát Lái, giao lộ Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức) hằng đêm có những đứa trẻ từ 5-15 tuổi được người lớn đưa đi thổi lửa, xin tiền. Chúng dầm mình trong đêm đến tận khuya mới khuất dạng.
Làm sao để không tái diễn những hình ảnh ăn xin, người lang thang, nhất là với một thành phố đông dân cư như TP Hồ Chí Minh? Đó thực sự là một lời giải khó.
Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, những năm gần đây, địa bàn xuất hiện tình trạng một số đối tượng lợi dụng trẻ em, người lớn tuổi, lang thang để tổ chức ăn xin tại khu vực tập trung đông du khách. Điều này làm ảnh hưởng tới mỹ quan, đô thị, trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh an ninh, trật tự. Do đó, Công an TP Hồ Chí Minh chọn phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) triển khai xử lý các trường hợp tập trung trẻ em, người lang thang ăn xin, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác. Cơ quan công an cũng thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú, cấp CCCD với trường hợp nhân khẩu đặc biệt. Việc này nhằm quyết liệt xử lý triệt để các đối tượng lợi dụng trẻ em, người lang thang để trục lợi, cũng như ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật.
Sau 10 ngày ra quân thực hiện cao điểm phối hợp tăng cường giải quyết, xử lý, Công an TP Hồ Chí Minh đã đưa 90 người lang thang ăn xin vào Trung tâm hỗ trợ xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh: ăn xin đường phố, đặc biệt là trẻ em là vấn đề lưu tâm, không chỉ của chính quyền mà còn là của người dân thành phố. Cần quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tại địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng trên. Chính quyền cần hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho những người chưa có nơi ở ổn định, không tìm được việc làm phù hợp để mưu sinh. Ngoài ra, mỗi người dân không nên cho tiền, phát quà từ thiện cho người ăn xin, người có hoàn cảnh khó khăn trên đường phố. Tòa án nên đưa ra xét xử công khai một số đối tượng bảo kê, chăn dắt người lang thang, xin ăn để trục lợi nhằm mang tính răn đe, cảnh tỉnh.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/nhuc-nhoi-nan-an-xin-duong-pho-i736571/