Lỗ hổng của giáo dục mầm non

Các vụ việc bạo hành trẻ dẫn đến sang chấn tâm lý nặng hoặc những cái chết thương tâm xảy ra ở trường mầm non ngoài công lập cứ liên tiếp xảy ra.

Sau mỗi vụ việc, dư luận phẫn nộ, thương thân cho những đứa trẻ vô tội; nhà quản lý lại liên tiếp ra văn bản chấn chỉnh, tìm cách xử lý vụ việc.

Nhưng rồi khi sự việc chìm xuống, các cơ sở giáo dục không phép lại trăm hoa đua nở, khiến bức tranh về giáo dục mầm non bị vấy màu đen tối.

Hình ảnh bên trong cơ sở trông giữ trẻ tại huyện Thường Tín, nơi hai "bảo mẫu" bạo hành bé trai 17 tuổi dẫn đến tử vong. Ảnh: Công Tâm

Hình ảnh bên trong cơ sở trông giữ trẻ tại huyện Thường Tín, nơi hai "bảo mẫu" bạo hành bé trai 17 tuổi dẫn đến tử vong. Ảnh: Công Tâm

Trên thực tế, phần lớn giáo viên mầm non là những người yêu trẻ nhỏ. Nên họ chịu được áp lực quấy khóc, những câu hỏi liên tiếp, sự kém tuân thủ các quy định… của trẻ ở lứa tuổi mầm non.

Họ tạo dựng được tình yêu với trẻ và niềm tin với các phụ huynh. Nhưng đó là những cô giáo được đào tạo bài bản, giảng dạy trong ngôi trường mầm non quy củ.

Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, TP có các khu công nghiệp, không ít sự việc đáng tiếc liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non xảy ra chủ yếu ở các nhóm, lớp tư thục đang khiến phụ huynh lo ngại.

Sự lỏng lẻo trong phối hợp trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát; việc xử phạt những sai phạm chưa nghiêm minh… khiến cho công tác quản lý các nhóm, lớp mầm non tư thục ngày càng bộc lộ nhiều lỗ hổng.

Sự phẫn uất của dư luận lên đến đỉnh điểm khi đọc những lời khai của hai “bảo mẫu” tại một cơ sở mầm non của huyện Thường Tín (Hà Nội). Một đứa trẻ 17 tháng tuổi, mới đến trường được vài ngày nhưng đã bị hai bảo mẫu này giẫm đạp vào bụng, ném trẻ xuống đất để rồi trẻ tử vong vì đa chấn thương, trong đó có cả chấn thương sọ não.

Điều đáng nói, cơ sở mầm non này không được cấp phép hoạt động và từng bị xử phạt nhiều lần… nhưng vẫn tổ chức trông trẻ mà chính quyền địa phương không thể ngăn chặn, chấm dứt triệt để.

Vụ việc này không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh phụ huynh mà còn với cả cơ quan quản lý trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ tự phát.

Trước đó, đã từng xảy ra nhiều vụ bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non, xuất phát chủ yếu từ các nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ tự phát. Đơn cử như ngày 14/1, bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh (30 tuổi) tại TP Hồ Chí Minh bạo hành bé 6 tháng tuổi dẫn đến thương tích 99%. Công an xác định đối tượng hành nghề bảo mẫu tự phát trong chung cư.

Hoặc trong năm 2022, tại Đà Nẵng, Lâm Đồng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng liên tiếp xảy ra các vụ việc giáo viên nhóm có hành vi đánh, xách, ném, kéo lê, dọa nạt trẻ và cho trẻ ăn đồ ăn đã nhả ra, đút cơm thô bạo, bạo hành đến chấn thương sọ não hoặc dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu trẻ…

Sau các vụ việc đều xác định nhóm trông trẻ tự phát, tự lập tại các khu chung cư, ở nhà riêng… diễn ra trong thời gian dài nhưng cơ quan quản lý không xử phạt, yêu cầu tạm dừng.
Để các điểm trông giữ trẻ tư nhân bảo đảm chất lượng nuôi dạy trẻ, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ, nhất là khâu kiểm tra sau khi cấp giấy phép hoạt động.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng nên có những chế tài, điều luật cụ thể cho tội danh này sao cho đủ sức răn đe, thể hiện tính nghiêm minh của xã hội để diệt hoàn toàn "sâu bọ" làm hoen ố giá trị yêu thương của nuôi dạy trẻ.

Linh Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lo-hong-cua-giao-duc-mam-non.html