Lỗ hổng giúp dự án than điện Trung Quốc hoạt động bất chấp cam kết khí hậu
Hơn chục dự án xây dựng nhà máy điện than của Trung Quốc ở nước ngoài đã bị hủy sau khi chính phủ ban hành lệnh cấm hỗ trợ tài chính cho các nhà máy này vào năm ngoái.
Theo hãng tin AFP, Trung Quốc là quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới. Quốc gia này tuyên bố đặt mục tiêu phát thải CO2 lên mức cao nhất trước năm 2030 và đạt trung hòa carbon vào năm 2060.
Trung Quốc cũng là nhà tài trợ lớn nhất cho các nhà máy than ở nước ngoài và đã có kế hoạch xây dựng 67 nhà máy ở hơn chục quốc gia.
Kể từ tháng 9/2021, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố cấm hỗ trợ tài chính cho các dự án mới, các nhà phát triển Trung Quốc đã hủy bỏ 15 dự án than ở nước ngoài trong bối cảnh nguồn vốn cạn kiệt và các nước sở tại yêu cầu các giải pháp thay thế có lợi cho môi trường hơn.
Một nghiên cứu công bố ngày 22/4 của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan) chỉ ra rằng tổng lượng điện tạo ra từ các dự án bị hủy bỏ là 12,8 gigawatt – tương đương tổng công suất phát điện ở Singapore.
Tuy nhiên, thiếu quy định rõ ràng đã cho phép các nhà phát triển Trung Quốc tiếp tục xây thêm nhiều dự án điện than mới.
“Cái chính là Trung Quốc tiếp tục tài trợ hoặc xây dựng các dự án điện than mới với mục đích cung cấp điện năng cho các khu công nghiệp trong Sáng kiến Vành đai và Con đường”, bà Isabella Suarez – một nhà nghiên cứu tại CREA – nói đến sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu 1.000 tỷ USD của Trung Quốc.
"Sơ hở ở đây là do các khu công nghiệp đã được hình thành trong nhiều năm, nên việc bổ sung than từ các dự án sẽ không được coi là mới, ngay cả khi quá trình đấu thầu diễn ra sau lệnh cấm tài trợ”, bà Isabella giải thích.
Hồi tháng 3, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia – cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã ban hành quy định, yêu cầu các nhà phát triển thận trọng tiến hành đối với các nhà máy than đang trong giai đoạn lập kế hoạch.
Theo báo cáo của CREA, những quy định này có thể ngăn chặn nguồn tài trợ của Trung Quốc cho 32 nhà máy điện than. Tuy nhiên, khoảng 18 dự án điện than với tổng lượng điện có thể tạo ra là 19,2 gigawatt vẫn được đảm bảo tài chính và giấy phép, từ đó có thể tiếp tục hoạt động.
Theo dữ liệu từ Global Energy Monitor, hầu hết các dự án này đều ở Indonesia - nơi Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD để khai thác niken và các khoáng chất khác cần thiết để chế tạo xe điện.
Biến đổi khí hậu đã gây ra những tác động chết người khắp nơi trên thế giới - từ những đợt nắng nóng khắc nghiệt đến những siêu bão dữ dội. Các chuyên gia khuyến cáo trong vòng một thập kỷ tới, lượng khí thải phải giảm một nửa để giữ nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng dưới 2 độ C hoặc lý tưởng là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp như đã nêu trong Hiệp định Khí hậu Paris.