Lỗ hổng lớn trong chiến lược phòng thủ của Ukraine
Các quan chức phương Tây cùng nhiều nhà phân tích quân sự đã coi việc thiếu hệ thống phòng không là một trong những bất lợi lớn của Kiev khi nước này tìm cách đẩy lùi cuộc tấn công của Nga.
Cuộc tập kích tên lửa lớn của Nga vào một loạt thành phố lớn của Ukraine nhằm đáp trả vụ đánh bom cầu Crimea đã khiến Ukraine rơi vào tình thế khó khăn, khi phải đứng giữa hai lựa chọn: bảo vệ cơ sở hạ tầng hoặc quân đội ngoài tiền tuyến.
Ukraine đã di chuyển phẩn lớn hệ thống phòng không có từ thời Liên Xô sang chiến trường phía Đông, phía Nam và Đông Nam để bảo vệ lợi thế của mình trước quân đội Nga trong khi chờ đợi phương Tây cung cấp các hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến.
Chiến thuật dội mưa tên lửa
Theo giới phân tích, Nga dường như đã áp dụng chiến thuật mà nước này từng sử dụng ở giai đoạn đầu chiến dịch quân sự, đó là áp đảo hệ thống phòng không của đối phương bằng một loạt cuộc tấn công tên lửa, buộc đối phương phải lùi bước. Tuy vậy, chiến thuật này có thể làm hao mòn kho tên lửa phòng không của Nga.
Trong cuộc tấn công vào ngày 10 và 11/10, Nga đã sử dụng hơn 80 tên lửa được phóng từ các máy bay ném bom chiến lược Tu-22M và Tu-95, ngoài ra còn có tên lửa hành trình X-101 và Kalibr phóng từ trên biển vào sâu bên trong thủ đô Kiev và các thành phố khác.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó xác nhận, một loạt trung tâm chỉ huy, trạm kiểm soát và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã bị nhắm mục tiêu. Tuyên bố của bộ này nêu rõ: “Các lực lượng vũ trang Nga đã thực hiện cuộc tấn công lớn sử dụng vũ khí chính xác tầm xa nhắm vào các cơ sở quản lý quân sự, thông tin liên lạc và năng lượng của Ukraine. Nga đã đạt được mục tiêu đề ra. Tất cả các cơ sở đều bị đánh trúng".
Trong cuộc họp trực tuyến của nhóm G7, Tổng thống Ukraine Zelensky đã yêu cầu các quốc gia phương Tây hỗ trợ Ukraine xây dựng lá chắn phòng không để ngăn chặn Nga. “Tôi kêu gọi các bạn tăng cường nỗ lực hỗ trợ về mặt tài chính để tạo ra một lá chắn trên không cho Ukraine. Hàng triệu người sẽ biết ơn Nhóm G7 vì sự hỗ trợ này”, ông Zelensky nói.
Ngay sau khi công bố chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, Nga đã tiến hành một loạt cuộc tấn công phủ đầu bằng tên lửa nhằm vào các mục tiêu của đối phương trong khi hạn chế tấn công trên bộ để tránh rơi vào một cuộc chiến giáp lá cà. Các quan chức Bộ Quốc phòng Nga chủ đích “vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quân sự, cơ sở phòng không, sân bay quân sự và lực lượng không quân của Ukraine bằng vũ khí chính xác cao”.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, Nga đã mở màn chiến dịch với 30 tên lửa 3M14 Kalibr - loại tên lửa hành trình hiện đại hàng đầu trong biên chế quân đội Nga, được thiết kế để khai hỏa từ tàu ngầm và tàu chiến mặt nước. Đây là cuộc tấn công bằng hỏa lực tầm xa với phạm vi rộng. Mục tiêu của Nga là nhắm vào ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, phù hợp với chiến lược “phi quân sự hóa” và làm suy giảm khả năng chiến đấu của Ukraine.
Trong cuộc tấn công hồi đầu tuần này, Nga đã tái sử dụng chiến thuật dội mưa tên lửa để trả đũa vụ đánh bom cầu Crimea. Bộ Quốc phòng Ukraine nói rằng, nước này đánh chặn 43 trong số 83 tên lửa Nga phóng đi. Tuy nhiên, hệ thống phòng không của Ukraine vẫn không thể ngăn hàng chục tên lửa khác nhắm trúng vào cơ sở hạ tầng tại Kiev và nhiều thành phố lớn khác.
Một bài bình luận trên Financial Times cho rằng: “Động thái mới nhất này của Nga sẽ buộc Kiev phải lựa chọn giữa việc triển khai các hệ thống phòng không vốn đang khan hiếm để bảo vệ cơ sở hạ tầng hoặc sử dụng chúng cho cuộc phản công giành lại những vùng lãnh thổ đã mất vào tay Nga.
Lỗ hổng lớn trong kế hoạch phòng thủ của Ukraine
Các quan chức phương Tây cùng nhiều nhà phân tích quân sự đã coi việc thiếu hệ thống phòng không là một trong những bất lợi lớn của Kiev khi nước này tìm cách đẩy lùi cuộc tấn công của Nga, chẳng hạn như cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái hồi đầu tuần”, bài báo lưu ý.
“Phòng không hiện là ưu tiên số 1 trong hợp tác quốc phòng của chúng tôi,” ông Zelensky phát biểu sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Còn Đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh cũng cho biết Kiev đã chỉ thị cho các nhà ngoại giao của nước này kêu gọi viện trợ thêm thiết bị phòng không.
Hiện Ukraine chỉ có hai loại vũ khí phòng không chính. Một là hệ thống S-300 có từ thời Liên Xô nhằm chống lại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, được triển khai hầu hết ở các thành phố lớn của nước này. Hai là hệ thống tên lửa SA-11 Buk dùng để bắn hạ bom thông minh, tên lửa hành tình, máy bay cánh xoay và máy bay cánh cố định bay ở độ cao trung bình, được triển khai chủ yếu ở gần tiền tuyến.
Trước cuộc tập kích bằng tên lửa, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Shahed-136/Geran-2 của Nga nhằm vào trụ sở Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) ở Bila Tserkva cách thủ đô Kiev 75km về phía Nam vào ngày 5/10 đã bộc lộ lỗ hổng lớn trong kế hoạch phòng thủ của Ukraine.
Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, cuộc tấn công này thành công một phần do Ukraine đã di chuyển hầu hết đơn vị phòng không sang phía Đông gần Kharkiv và phía Nam gần Kherson "khiến các thành phố của họ không được bảo vệ”.
“Việc tiếp tục các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa cho phép Nga điều chỉnh quy trình xác định mục tiêu, thu thập dữ liệu, giám sát, theo dõi và bắn hạ mục tiêu, điều đó sẽ mang lại lợi thế cho nước này”, một phi công của Không quân Ấn Độ - người từng là cựu Tùy viên Quốc phòng của Ấn Độ tại Moscow nhận xét.
“NATO và Mỹ chỉ có thể đứng từ xa quan sát cách thức Nga hoạt động. Tuy nhiên trên chiến trường, quân đội Nga không chỉ nhận thức được năng lực quân sự của NATO mà còn có thể thử nghiệm vũ khí và trau dồi kinh nghiệm chiến đấu. Các phi công của Nga hiện giờ có thể nắm vững sức mạnh cũng như điểm yếu của các tên lửa hành trình mà họ có để phát huy hiệu quả trên chiến trường”, phi công này lưu ý.
Giao tranh kéo dài hơn 7 tháng qua đã khiến Ukraine cạn kiệt kho đạn pháo có từ thời Liên Xô, và gần như phải dựa vào vũ khí phương Tây chẳng hạn như lựu pháo M777 và Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) của Mỹ, pháo tự hành PzH 2000 của Đức hay pháo tự hành Krab của Ba Lan. Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã bị tụt hậu đáng kể do xung đột trong khi ngành công nghiệp quốc phòng Nga vẫn tiếp tục phát triển, vì thế Moscow được cho là có thể tiếp tục sản xuất vũ khí và trụ vững trong một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài./.