Lỗ hổng quản lý từ vụ giả tu sĩ Phật giáo của ông Nguyễn Minh Phúc
Việc giả danh nhà sư, lợi dụng hình ảnh phật giáo, tu sĩ để trục lợi, làm giảm uy tín Phật giáo cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý.
Những ngày qua, hình ảnh về một người đàn ông đầu trọc, mặc đồ giống nhà sư vào quán nhậu gây xôn xao dư luận. Việc làm của ông Nguyễn Minh Phúc đã làm náo động cộng đồng Phật giáo và các YouTuber khai thác triệt để nhằm "câu view" kiếm tiền.
Được biết, người này tên thật là Nguyễn Minh Phúc (sinh năm 1983). Đáng chú ý, tất cả giấy tờ chứng minh tu sĩ, quyết định bổ nhiệm, quyết định thành lập chùa, quyết định bổ nhiệm trụ trì của người này với danh nghĩa do Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cấp đều là giả mạo. Bên cạnh đó, ông Phúc cũng tự làm giả các huân chương, huy chương, bằng khen của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ.
Trước đó, người đàn ông này từng gây xuất hiện nhiều trên mạng xã hội vì liên quan đến hàng loạt clip "thầy chùa ăn thịt". Theo đó, vào năm 2021, mạng xã hội từng bất bình trước hình ảnh của người đàn ông đầu trọc, mặc áo nhà sư xuất hiện trong clip "thầy chùa ăn thịt chó". Người này tự xưng là "đại đức Thích Tâm Phúc", trụ trì chùa Hoằng Pháp Trung ương (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi).
Ngay từ thời điểm đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cùng huyện Củ Chi đã lên án người này có nhiều phát ngôn trái với truyền thống Phật giáo Việt Nam, xúc phạm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Điều đáng nói là dù những việc làm sai trái, vi phạm của ông Nguyễn Minh Phúc đã diễn ra từ lâu, song vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để.
Việc những sai phạm của Nguyễn Minh Phúc mặc dù đã được Giáo hội Phật giáo địa phương nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tái diễn, thậm chí với mức độ ngày càng ngang nhiên, trắng trợn hơn đã phần nào cho thấy sự lệch lạc trong quan điểm, thậm chí cố ý làm trái với quan điểm tu hành để bôi nhọ hình ảnh tu sĩ, Phật giáo.
Thực tế, việc giả danh nhà sư, lợi dụng hình ảnh phật giáo, tu sĩ để làm xấu hình ảnh người tu, trục lợi, làm giảm uy tín Phật giáo không phải mới xảy ra gần đây. Còn nhớ, cách đây không lâu, dư luận cả nước xôn xao trước hành vi giả danh tu hành, lợi dụng trẻ mồ côi để trục lợi diễn ra tại “Tịnh thất bồng lai”. Đây là một địa điểm tâm linh tự xưng làm xôn xao dư luận. Cơ sở này gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của tổ chức Phật giáo và an ninh trật tự tại địa phương trong suốt thời gian qua.
Hòa Thượng Thích Minh Thiện, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An khẳng định, đây là không phải là một cơ sở của Phật giáo mà chỉ mượn danh xưng là cơ sở Phật giáo. Lợi dụng hình thức tu sĩ phật giáo, lợi dụng hình thức cơ sở của giáo hội, lợi dụng hình thức nuôi những người cơ nhỡ làm từ thiện để trục lợi cho mình. Đó là vi phạm về pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức phật giáo thế giới và gần nhất là tổ chức phật giáo của nước nhà.
Hay việc lợi dụng chiêu bài “thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ”, “giải nghiệp tiền kiếp”, một số cá nhân với danh nghĩa Phật tử ngang nhiên tổ chức các hoạt động truyền bá một số quan niệm sai lệch, gieo rắc sợ hãi trong cộng đồng, mà xét đến cùng là nhằm mục đích thu lợi.
Các sai phạm ở cơ sở tôn giáo một lần nữa cho thấy “lỗ hổng” trong quản lý. Thiết nghĩ, trong công tác giám sát của mình, Ban trị sự Phật giáo các cấp cũng nên có những phản hồi tới cơ quan chức năng về việc giả danh, giả dạng tu sĩ, chùa chiền như những trường hợp nêu trên.
Do đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi sai trái, đi ngược lại giáo lý Phật giáo của một số tăng ni, Phật tử các cơ quan có trách nhiệm, các tổ chức liên quan cần nhanh chóng triển khai chương trình hành động rộng khắp cảnh tỉnh xã hội, giúp người dân sáng suốt lựa chọn lối sống tích cực, hướng thiện, tự khẳng định giá trị đích thực của bản thân, giữ gìn hình ảnh lương thiện và một số giá trị đạo đức tốt đẹp mà Phật giáo hướng tới.
Pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mỗi công dân. Tuy nhiên, việc tổ chức cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo không tuân thủ các quy định pháp luật, lợi dụng quyên tiền từ thiện sinh hoạt tôn giáo, lợi dụng hình ảnh tôn giáo để trục lợi là hành vi sai trái, vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.