Lỗ hổng thất thoát' trong giao dịch ngân hàng
Dù các ngân hàng có hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ, nhưng nhiều lỗ hổng vô tình hoặc cố tình từ các bên, dễ tạo ra các sai phạm, thất thoát.
Ghi nhận từ các vụ việc như đại án Huyền Như, bà Chu Thị Bình-Eximbank, bà Huỳnh Tuyết Hằng - OCB cho thấy rõ tình trạng nói trên.
Dựa vào “người quen”
Việc bà Huỳnh Tuyết Hằng chọn giao dịch với bà Vũ Phương Thảo (dù OCB khẳng định bà Thảo không có nhiệm vụ, quyền hạn gì liên quan đến việc huy động vốn của khách hàng tại OCB), khi hai người có quan hệ thân thích (dì- cháu) là dễ hiểu. Đây cũng là tâm lý chung của bất kỳ người gửi tiết kiệm nào khi có người thân làm ngân hàng.
Ngoài ra, nếu khách hàng là người gửi tiết kiệm thân thiết và số tiền gửi lớn (thường trên 1 tỷ đồng), sẽ có nhân viên giao dịch “chăm sóc tài khoản”. Nhân viên này có thể mang sổ đến tận nhà viết tay nhận tiền gửi trả sổ sau… Quan hệ tin tưởng, có thể dẫn đến bất cẩn trong giao dịch.
Chủ quan không kiểm tra
Việc thu hút những khoản gửi trị giá lớn, kỳ hạn dài để tăng tỷ lệ huy động dài hạn là nhu cầu có thật, dẫn đến “quyền lực” đàm phán lãi suất thuộc về phía khách hàng.
Nhằm phù hợp hạch toán, đôi khi khách hàng đồng ý cộng lãi suất ngoài sổ hoặc chấp nhận những điều khoản “lách” khác, ví dụ gửi ủy thác qua trung gian, gửi tiền cho nhân viên nhà băng không cần sổ…
Thậm chí còn có tình huống nhiều khách hàng nhận sổ tiết kiệm tại quầy hoặc online gửi sau, nhưng chủ quan không kiểm tra sổ, không theo dõi biến động số dư tài khoản…, dẫn đến những sai phạm, thất thoát.
Cần giám sát, kiểm tra
Chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho biết, hiện có sự cạnh tranh giữa các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng. Do đó, các ngân hàng linh hoạt tạo thỏa thuận “riêng”, điều này có nguy cơ dẫn tới lợi dụng việc công làm riêng, nếu không kiểm soát chặt. Trường hợp một nhà băng thuộc nhóm big four có cán bộ phòng giao dịch tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị tố cáo ôm tiền tỉ của dân bỏ trốn là ví dụ.
Do đó, trách nhiệm kiểm tra, giám sát hệ thống bao gồm kiểm tra nhân viên không chỉ ngay tại Hội sở mà tới toàn bộ chi nhánh, phòng giao dịch đang là bài toán lớn của các tổ chức.
Định danh và dữ liệu
Trước đây, ứng dụng khoa học dữ liệu vào ngân hàng và lưu trữ dữ liệu có khó khăn. Chẳng hạn, đối với trường hợp của OCB và bà Hằng, sẽ đơn giản hơn cho cơ quan thụ lý điều tra nếu toàn bộ quá trình được camera ghi lại và lưu trữ. Nhưng dĩ nhiên, việc lưu trữ giao dịch của toàn hội sở sau từng đó năm theo công nghệ cũ thường là bất khả.
Công nghệ ngày nay đã khác xa năm 2011. Nhờ sinh trắc học hỗ trợ cho định danh điện tử (eKYC), ngân hàng có thể truy xuất ngược dữ liệu với “định danh” của từng khách hàng. Hiện tại, VPBank là ngân hàng đầu tiên triển khai eKYC.
Để dữ liệu thực sự chuẩn, đòi hỏi sự nhập cuộc của NHNN ngay từ quy chuẩn đồng bộ ban đầu lẫn tầm nhìn, chính sách “định khung” cho việc chia sẻ dữ liệu trên toàn hệ thống, tránh nhà băng “mạnh ai nấy làm”.