Lỗ hổng trong khai thác khoáng sản

Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, góp ý cho dự án Luật Địa chất và Khoáng sản trong phiên thảo luận, một đại biểu tỉnh Tây Ninh đã ví von hình tượng: Khoáng sản như 'miếng mỡ ngon đặt trên miệng mèo'.

Sở dĩ đại biểu này ví von như vậy là do thời gian qua, tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép khoáng sản diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Tính trong quý I-2024, con số vi phạm về khai thác tài nguyên, khoáng sản bị phát hiện lên đến hàng nghìn vụ. Có những vụ án gây chấn động dư luận như ở An Giang, 19 bị can, trong đó có không ít quan chức, phải hầu tòa vì các hành vi nhận hối lộ, móc nối, dung túng, bảo kê... cho hành vi khai thác cát.

Từ các vụ án cho thấy, đang có những lỗ hổng trong chính cơ quan được giao quản lý nhà nước về cấp phép khai thác khoáng sản. Như cách lý giải của đại biểu tỉnh Tây Ninh thì việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, nhưng tỷ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá theo báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản là rất thấp. Lỗ hổng pháp luật còn thể hiện ở số trường hợp vi phạm quy định về khai thác tài nguyên bị phát hiện lên đến hơn 2.000 vụ trong quý I-2024, tuy nhiên, chỉ khoảng 400 trường hợp bị khởi tố, vậy nên chưa đủ sức răn đe.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Trữ lượng khoáng sản tuy nhiều nhưng không phải là vô hạn. Chỉ xét ở tài nguyên cát cũng đủ để thấy rằng, hạt cát bé xíu, nhưng xuyên suốt thời gian dài, đích thân Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo xử lý nhiều vấn đề có liên quan. Thiếu cát, hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia phải ngưng trệ...

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, nhiều vụ vi phạm Luật Khoáng sản đã được xử lý. Đây là thông tin vui. Nhưng với lợi nhuận khủng và nếu đã ví khoáng sản là miếng mỡ ngon thì không ai dám bảo đảm rằng mèo sẽ chê mỡ và những phi vụ “đi đêm” sẽ không diễn ra.

Vậy nên ngay lúc này, các cơ quan chức năng cần kiểm soát, truy xuất nguồn gốc và đường đi của cát từ mỏ đến công trình để ngăn chặn việc “đi đêm” giữa các ông chủ mỏ cát với cán bộ cơ quan quản lý nhà nước cấp phép khai thác cát. Nếu không thì việc bắt bớ chỉ giải quyết phần ngọn. Về lâu dài, giải pháp căn cơ vẫn đến từ việc làm sao để dự án Luật Địa chất và Khoáng sản tới đây có thêm nhiều điều khoản chặt chẽ, công khai, minh bạch; vừa đáp ứng được đòi hỏi trong quản lý, khai thác, vừa phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; đặc biệt là không tạo khe hở để những “con mèo” có cơ hội ăn vụng!

THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lo-hong-trong-khai-thac-khoang-san-784976