Lỗ hổng trong lưới phòng không Iran từ vụ bắn nhầm máy bay Ukraine
Vận hành tên lửa đất đối không cần các biện pháp tránh nhận diện sai mục tiêu. Thảm họa bắn nhầm máy bay Ukraine cho thấy tính năng này trong lưới phòng không Iran đã thất bại.
Trong thông cáo ngày 11/1, quân đội Iran và nhánh không quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) cho biết đơn vị phòng không khai hỏa tên lửa tầm ngắn khi nhận diện nhầm giữa máy bay Boeing 737 với tên lửa hành trình của Mỹ, dẫn đến thảm họa hàng không kinh hoàng sáng 8/1.
Thời điểm đó, lưới phòng không Iran đặt trong tình trạng báo động cao sau khi nã tên lửa vào hai căn cứ có quân Mỹ đồn trú tại Iraq và có khả năng nhận trả đũa quân sự. Toàn bộ 176 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay của Ukraine International không ai sống sót.
"Sai lầm con người" này có thể là kết quả của thất bại trên nhiều khía cạnh trong hệ thống phòng không Iran, theo Steven Zaloga, chuyên viên phân tích cấp cao về các hệ thống tên lửa và thành viên hãng cố vấn công nghiệp quốc phòng Teal Group.
Lỗi trong phương pháp lẫn công nghệ phòng không
"Ở đây tồn tại rất nhiều vấn đề. Vụ việc cho thấy phương pháp của họ đã thất bại và công nghệ của họ cũng thất bại. Đáng lẽ phải có một phương pháp luận được xây dựng để ngăn chặn tình huống nhầm bạn với thù", Zaloga nhận định.
Theo Bloomberg, đơn vị phòng không bắn hạ chiếc Boeing 737-800 của Ukraine International đã sử dụng tên lửa SA-15 Tor. Dù đây là loại vũ khí có độ hiệu quả cao khi đối phó với những mối đe dọa tầm ngắn, tên lửa Tor không có hệ thống dẫn đường thiết kế cho vùng chiến sự và không thể tự phân biệt giữa máy bay thương mại, tên lửa hành trình và các loại máy bay quân sự khác.
Những quốc gia triển khai tên lửa Tor cho lưới phòng không thường liên kết chúng với hệ thống chỉ huy phòng không phổ rộng, có khả năng theo dõi máy bay dân sự, Zaloga cho biết. Trong những tình huống tương tự, đơn vị điều khiển bệ phóng tên lửa sẽ không được khai hỏa nếu cấp trên chưa cho phép.
Vào thời điểm bị nhắm bắn, chuyến bay PS752 đang phát tín hiệu vị trí cho hệ thống radar dân sự và hệ thống giám sát bay mới nhất có sử dụng dữ liệu định vị toàn cầu, theo ghi nhận của trang FlightRadar24. Máy bay chở 176 hành khách và phi hành đoàn cũng có cách di chuyển khác tên lửa hành trình rất nhiều. Máy bay cất cánh với lộ trình thông thường từ sân bay Imam Khomeini và rõ ràng luôn phát tín hiệu nhận diện cho hệ thống giám sát hàng không.
Mặc dù radar của tổ hợp tên lửa Tor không có khả năng phân biệt mục tiêu dân sự và quân sự, các hệ thống khác của Iran vẫn đang theo dõi thông tin chuyến bay thời điểm đó. Số thông tin này đáng lẽ phải được cung cấp cho các chỉ huy đơn vị phòng không, Zaloga nhận định.
Kể từ khi nhận trách nhiệm vào ngày 11/1, phía Iran liên tục thay đổi cách lý giải vì sao quân đội bắn nhầm chiếc Boeing.
Trong thông cáo cùng ngày, quân đội tường thuật máy bay đã chuyển hướng về phía một căn cứ quân sự. Tuy nhiên, dữ liệu trên FlightRadar24 cho thấy máy bay di chuyển theo lộ trình thông thường.
Khoảng 2 phút sau khi cất cánh, chiếc Boeing bay hơi chếch sang phải. Hiện tượng này khá phổ biến đối với những chuyến bay rời đường băng tại Imam Khomeini. Khi lên đến độ cao 2.408 m, máy bay đột ngột dừng phát tín hiệu vị trí. Nhiều khả năng đó là thiệt hại từ vụ nổ tên lửa. Ít nhất 2 máy bay khác cất cánh cùng buổi sáng có lộ trình gần như giống hệt chuyến bay PS752. Nhiều máy bay khác cũng di chuyển gần đó.
"Ngay cả trong trường hợp không thể trực tiếp nhận diện chuyến bay này, đơn vị vận hành tổ hợp tên lửa đất đối không đáng lẽ vẫn có thể dễ dàng nhận ra mô hình bay và dữ liệu radar khác hoàn toàn mọi tên lửa hoặc máy bay chiến đấu của Mỹ", Justin Bronk, chuyên gia về công nghệ quân sự tại Viện Hoàng gia Anh, bình luận.
Trong một thông báo sau đó của chuẩn tướng Amir Ali Haiadeh, tư lệnh nhánh không quân của IRGC, máy bay bị nhận diện nhầm với tên lửa hành trình. Cách lý giải này cũng khó thuyết phục khi thiết bị bay tự định hướng của Mỹ được thiết kế để bay sát mặt đất với khoảng cách hơn 30 m để tránh xuất hiện trên radar. Máy bay Ukraine International lại di chuyển theo mô hình gia tăng độ cao và cách với đường bay thông thường của tên lửa hàng nghìn mét.
Theo đúng quy trình, đơn vị phòng không đúng ra phải đợi bộ chỉ huy cho phép trước khi khai hỏa. Tuy nhiên, tướng Hajizadeh cho biết thông tin liên lạc thời điểm đó bị nhiễu và người chỉ huy đơn vị chỉ có 10 giây để quyết định.
Sương mù chiến tranh
Sai lầm trên chiến trường có thể xảy ra đối với cả những lực lượng có khí tài tối tân, được huấn luyện với chất lượng tốt nhất và kinh nghiệm dày dạn để đối phó áp lực chiến trường. Thảm kịch ngày 8/1 khiến nhiều người nhớ lại vụ tàu tuần dương Mỹ mang tên lửa dẫn đường USS Vincennes bắn nhầm máy bay của hãng Iran Air năm 1988 khi căng thẳng Vùng Vịnh leo thang.
Tàu chiến Mỹ khi đó có hệ thống phòng không hiện đại nhất, điều khiển bởi lực lượng hải quân tinh nhuệ nhất thế giới. Tuy nhiên, sự cộng hưởng giữa áp lực, thời điểm và những yếu tố gây nhầm lẫn trên chiến trường, hay thường được ví von là "sương mù chiến tranh", đã dẫn đến cái chết của 290 người vô tội.
Quyết định khai hỏa tên lửa SM-2 của chiếc USS Vincennes xuất phát từ nhiều yếu tố dễ gây nhầm lẫn trên thực địa, giữa tình huống áp lực cao là tàu đang đối đầu với hải quân Iran. Vị trí căn cứ không quân đối phương trùng với nơi cất cánh của chiếc Airbus A300 là thành phố Bandar Abas. Máy bay di chuyển thấp như máy bay quân sự do đường bay ngắn vì điểm đến là Duba. Những tín hiệu cảnh báo cũng không được phản hồi và thông tin liên lạc gặp khó khăn.
Theo nhận định trên The War Zone, trong trường hợp thảm kịch ngày 8/1, nhận thức tình huống của đơn vị phòng không liên quan có thể không còn đảm bảo, cả về mặt chiến thuật và lưu thông hàng không trong khu vực, nên mới xảy ra sai lầm chết chóc. Trong 3 tiếng từ lúc Iran nã tên lửa sang Iraq đến lúc chiếc Boeing 737 bị bắn hạ, nhiều chuyến bay khác đã di chuyển trên vùng trời Tehran mà không gặp vấn đề gì.
Đơn vị phòng không đáng lẽ phải thuộc nằm lòng mô hình bay của những chuyến bay dân sự đến và rời khỏi Imam Khomeini. Điều này cho thấy có thể sai lầm chết người là hệ quả của rất nhiều nguyên nhân, từ lỗi khí tài và thiếu thông tin liên kết, đến yếu tố con người như khả năng phân biệt bạn với thù hay đưa ra quyết định chính xác dưới áp lực.
Không nhiều hệ thống tên lửa đất đối không trên thế giới đủ tinh vi để bắn hạ máy bay vận tải hành khách. Những hệ thống này thường không được khởi động khi không xuất hiện mối đe dọa nghiêm trọng. Zaloga nhận định thảm kịch vừa qua ở Iran cho thấy vấn đề kiểm soát vũ khí phòng không sẽ cần được thảo luận nghiêm túc hơn ở cấp độ quốc tế.