Lỗ hổng trong quản lý quảng cáo của trang thông tin cá nhân mạng xã hội, ứng dụng trên thiết bị di động
Đại biểu Quốc hội cho biết, Luật Quảng cáo 2012 chủ yếu điều chỉnh các hình thức quảng cáo truyền thống, chưa có quy định cụ thể về quảng cáo trực tuyến. Hiện nay, hơn 70% các trường hợp vi phạm quảng cáo trực tuyến bị xử lý chậm do thiếu quy định đồng bộ.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 25/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phần lớn các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo hiện hành.
Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, tán thành chủ trương quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, điểm c, khoản 5 Điều 15a của luật hiện hành quy định: Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm. Đại biểu A Lềnh cho rằng, quy định này có ảnh hưởng rất lớn đến ngành quảng cáo, do đó cần cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn.
Đại biểu A Lềnh đề nghị làm rõ một số nội dung như: việc đăng tải ý kiến, cảm nhận được thực hiện bằng hình thức nào. Hiện nay, có rất nhiều hình thức đăng tải như video clip, phát trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến, người chuyển tải đăng video clip, bài viết trên mạng xã hội của mình, người chuyển tải bình luận trên các trang thông tin điện tử, trang cá nhân của người khác. Cùng với đó, cần làm rõ cơ chế xác nhận người chuyển tải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm, chế tài đối với trường hợp trực tiếp phát hiện người chuyển tải chưa trực tiếp sử dụng sản phẩm quảng cáo, hoặc quy đã sử dụng nhưng kết quả thực tế không đúng như người chuyển tải sản phẩm đã quảng cáo.
Về quảng cáo trên mạng, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng: Thực tế hiện nay có không ít quảng cáo có chứa đường dẫn đến trang thông tin cá nhân như trang cá nhân trên mạng xã hội, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định về nội dung của trang thông tin cá nhân, ứng dụng trên thiết bị di động phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Đại biểu A Lềnh đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định về kiểm tra, giám sát đối với nội dung này.
Ngoài ra, một số nền tảng xem video trực tuyến như YouTube, Facebook đang chèn quảng cáo một hoặc nhiều lần trong quá trình xem video nhưng người xem không thể tắt quảng cáo nếu chưa hết thời lượng video quảng cáo được chèn. Đại biểu A Lềnh đề nghị nghiên cứu để có quy định điều chỉnh trường hợp này, không tạo lỗ hổng pháp lý đối với hoạt động quảng cáo trên nền tảng xem video trực tuyến, tạo sự bất bình đẳng giữa hoạt động quảng cáo trên các nền tảng này với các hoạt động quảng cáo trên các kênh khác.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, cho rằng: hiện nay chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo nhưng là trên truyền hình, trên báo chí; còn "quảng cáo trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng".
Nếu thiếu cơ chế kiểm soát, phát hiện xử lý qua, chúng ta không đạt được mục tiêu phòng ngừa, ngăn ngừa, răn đe hoạt động quảng cáo có vi phạm trên môi trường mạng, thì chúng ta cũng không làm tốt, hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đang bùng nổ phổ biến hiện nay, mà chỉ là chạy theo giải quyết hậu quả, thiệt hại khi có khiếu nại, tố cáo và phát hiện sai phạm qua thanh tra, kiểm tra.
Theo đó, đại biểu Mỹ Dung đề nghị sửa Luật Quảng cáo lần này bổ sung thêm các hành vi cấm tương ứng với đặc thù quảng cáo trên môi trường mạng và bổ sung điều, hay thêm chương riêng về điều kiện, cách thức, trình tự rất rõ ràng, cụ thể về đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo lên mạng hoặc loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ không được phép quảng cáo lên không gian mạng hoặc những hành vi chia sẻ lên mạng không phải là quảng cáo mà như là quảng cáo.
Về xử lý hiệu quả vi phạm trong hoạt động quảng cáo, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, cho rằng: Luật Quảng cáo 2012 chủ yếu điều chỉnh các hình thức quảng cáo truyền thống, chưa có quy định cụ thể về quảng cáo trực tuyến. Hiện nay, hơn 70% các trường hợp vi phạm quảng cáo trực tuyến bị xử lý chậm do thiếu quy định đồng bộ.
Do vậy, đại biểu Phước Bình đề nghị cần bổ sung điều khoản chuyên biệt về quảng cáo trực tuyến vào trong dự thảo Luật. Theo đó, xây dựng quy định quản lý các hình thức quảng cáo mới bao gồm quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo ứng dụng trí tuệ nhân tạo…; đưa ra hướng dẫn rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia quảng cáo; thành lập cơ chế phối hợp liên ngành, hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an để xử lý các vi phạm hiệu quả hơn.
Về việc kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến, cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị; thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn 24 giờ. Đặc biệt, đại biểu Phước Bình cho rằng, cần nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để tăng tính răn đe…
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quảng cáo trực tuyến, đại biểu Phước Bình yêu cầu các quảng cáo phải ghi rõ thông tin sản phẩm, dịch vụ, đơn vị chịu trách nhiệm và cơ chế hỗ trợ sau bán hàng. Cùng với đó, ban hành chế tài nghiêm khắc đối với việc sử dụng dữ liệu cá nhân khách hàng một cách trái phép; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân.