Lỗ khủng và vay nợ đầm đìa, Đức Long Gia Lai quyết bán 2 công ty con vốn 400 tỷ
Đức Long Gia Lai quyết định bán hai công ty con với tổng vốn điều lệ gần 400 tỷ đồng trong bối cảnh thua lỗ nặng, vay nợ đầm đìa.
Bán 2 công ty con có tổng vốn hơn 400 tỷ đồng
HĐQT CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) vừa quyết định cấu trúc lại khoản đầu tư góp vốn tại các công ty con.
Theo đó, DLG sẽ chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn gón tại Công ty TNHH Nông nghiệp Đức Long Gia Lai và Công ty TNHH MTV Nông trại Cao nguyên Quảng Phú 1.
Sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng, cả Nông nghiệp Đức Long Gia Lai và Nông trại Cao nguyên Quảng Phú 1 đều không còn là công ty con của DLG.
HĐQT DLG ủy quyền cho Tổng giám đốc tìm kiếm đối tác và đàm phán để chuyển nhượng vốn góp...
Điều đáng nói, DLG chỉ vừa quyết định đầu tư vào Quảng Phú 1 hồi tháng 9/2020 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Trong đó, DLG góp toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Quảng Phú với giá trị 43 tỷ đồng, phần còn lại 7 tỷ được góp bằng tiền mặt. Đây là trang trại có diện tích 707.800 m2 tại huyện Krong Nô, tỉnh Đăk Nông.
Còn Nông nghiệp Đức Long Gia Lai có vốn điều lệ 360,5 tỷ đồng. Tham vọng của DLG lúc đó là biến nông nghiệp trở thành lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của công ty giai đoạn 2015-2019. Bởi DLG sở hữu hàng chục ngàn ha đất đạt tiêu chuẩn cùng những ưu thế vượt trội về vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… là điều kiện thuận lợi để Tập đoàn chú trọng đầu tư, phát triển ngành nông nghiệp, sớm ghi nhận doanh thu, lợi nhuận.
Trong cơ cấu doanh thu 478 tỷ quý 3/2020 của DLG, sản phẩm nông nghiệp chỉ mang về hơn 29 tỷ đồng, bán phân bón gần 15 tỷ đồng, còn lại chủ yếu từ bán linh kiện điện tử với 332 tỷ đồng.
Việc bán vốn tại công ty con cũng phần nào liên quan đến tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán riêng trái phiếu chuyển đổi của DLG.
Theo đó, với 5 triệu trái phiếu riêng lẻ đã phát hành năm 2015, tương ứng vốn huy động 500 tỷ đồng.
Theo kế hoạch lúc đó, vốn thu được từ đợt phát hành, DLG dùng 300 tỷ vào dự án chăn nuôi, phát triển bò sữa và bò thịt; 150 tỷ vào dự án thủy điện và năng lượng, còn lại 50 tỷ bổ sung vốn lưu động.
Tuy nhiên, tính đến nay, dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt chỉ mới ghi nhận 118 tỷ đồng, còn lại 182 tỷ đồng được dùng vào bổ sung vốn lưu động.
Theo DLG, sở dĩ có sự thay đổi này do công ty tạm thời chưa đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp theo định hướng chú trọng nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ cao trong trồng trọt và chăn nuôi. Vì vậy DLG thay đổi mục đích sử dụng vốn từ đầu tư dự án chăn nuôi phát triển bò sữa bò thịt sang bổ sung vốn lưu động sản xuất kinh doanh trực tiếp.
Vay nợ đầm đìa, ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo
Tình hình kinh doanh của DLG trở nên bi đát khi năm 2019 báo lỗ hơn 1,3 tỷ đồng. Thậm chí, trong 9 tháng 2020 mức lỗ ngày càng trầm trọng tới con số 526 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 486 tỷ đồng.
Tổng nợ đi vay của DLG đạt 4.056 tỷ đồng, tăng 9% so đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm lần lượt là 1.309 tỷ và 2.746 tỷ đồng chủ yếu từ các ngân hàng như BIDV, VietinBank, Sacombank, Agribank... phần nhỏ từ cá nhân và doanh nghiệp khác.
Năm 2020, BIDV đã có thông báo lựa chọn đơn vị thẩm định giá cho 11 tài sản của DLG là bất động sản tại TPHCM, Gia Lai, Lâm Đồng, Quảng Ngãi như Nhà máy linh kiện điện tử Ansen (quận 9, TPHCM) hay bất động sản tại đường Hai Bà Trưng, TP Pleiku, Gia Lai chính là Khách sạn Đức Long Gia Lai I cao 12 tầng.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên BIDV thẩm định các dự án của DLG, mà trước đó hồi tháng 2/2020, nhà băng này cũng đã thực hiện bán đấu giá 582,7 m2 đất tại số 97/2, đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM của DLG. Giá khởi điểm của khối tài sản này là 57 tỷ đồng.
Trong khi đó, với lĩnh vực bất động sản, DLG cũng từng dính sai phạm tại dự án Đức Long Golden Land, Sunshine Apartment.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DLG hiện còn chưa bằng ly trà đá với 1.560 đồng/cổ phiếu chốt phiên cuối năm 2020.