Lo làn sóng Covid-19 mới
Trong khi niềm hân hoan năm mới vẫn chưa kịp lắng xuống thì thế giới tiếp tục đối mặt với nỗi lo dịch bệnh và sức chịu đựng của hệ thống y tế. Nhiều nước trên thế giới thông báo số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trong những ngày đầu năm 2023, đồng thời tuyên bố thực hiện các biện pháp hạn chế mới để kiểm soát dịch bệnh.
Ca mắc mới tăng nhanh
Đầu tuần này, Hàn Quốc ghi nhận hơn 81.000 ca mắc Covid-19 mới, tăng khoảng 22.000 ca so với ngày trước đó. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cũng thông báo số ca trung bình trong tuần trước của nước này vào khoảng 80.000 ca/ngày. Tại Nhật Bản, số ca mắc mới trên toàn quốc ghi nhận đến ngày 3/1 là 75.883 ca, tăng khoảng 840 người so với tuần trước.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Nhật Bản là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới và số ca tử vong vì Covid-19 đứng thứ hai toàn cầu sau Mỹ. Tại Mỹ, tình hình cũng không khả quan hơn khi tính đến tuần cuối của tháng 12, Mỹ ghi nhận tổng cộng hơn 100 triệu trường hợp mắc Covid-19. Các chuyên gia cho biết, con số nhiễm mới thực tế ở Mỹ có thể cao gấp đôi.
Giới chức y tế Mỹ đang chuẩn bị cho đợt bùng phát dịch bệnh sau kỳ nghỉ lễ, khi nhiều người đã từ bỏ hoàn toàn các quy tắc ngăn ngừa dịch. Lo ngại cũng gia tăng khi virus cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV) vẫn lưu hành. Các chuyên gia gọi đây là “ba dịch chồng nhau”, dự báo có thể tạo thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã quá tải.
Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia mới đây đã từ bỏ chính sách “zero Covid” và sẽ mở cửa biên giới từ ngày 8/1, những ngày gần đây, nhiều tỉnh, thành của nước này liên tiếp đưa ra cảnh báo đỉnh dịch Covid-19 sẽ rơi vào giữa tháng 1/2023 với hàng trăm nghìn ca nhiễm mỗi ngày ở mỗi địa phương.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Italy, trong tuần cuối cùng của năm 2022, Italy đã ghi nhận hơn 122.000 ca mắc mới Covid-19, với tỷ lệ dương tính là 15,1% (so với 13,5% của cùng kỳ năm trước). Trung tâm kiểm soát đại dịch của Italy cho biết, tỷ lệ các ca mắc mới có xu hướng giảm và số ca cần chăm sóc đặc biệt là ổn định. Tuy nhiên, do mùa Đông khiến virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn và với số ca mắc ở nước ngoài ngày càng tăng, chính phủ đã yêu cầu thận trọng.
Mối lo ngại tiếp tục gia tăng khi tháng 1/2023 là thời gian tập trung nhiều kỳ nghỉ của các nước châu Âu và châu Á, lượng người di chuyển tăng đột biến có thể thúc đẩy làn sóng lây nhiễm. Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra cảnh báo “bóng ma Covid-19” vẫn hiện hữu và đòi hỏi các nước cần tăng cường biện pháp phòng ngừa.
Gia tăng kiểm soát dịch bệnh
Để đối phó với làn sóng dịch Covid-19 mới, ngoài việc khuyến khích người dân tiêm mũi vaccine bổ sung, thì kiểm soát dòng người nhập cảnh là biện pháp mà nhiều nước bắt đầu áp dụng.
Từ ngày 1/1, những người đến Ấn Độ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan sẽ phải xuất trình xét nghiệm âm tính. Ấn Độ cũng xét nghiệm ngẫu nhiên 2% tổng số hành khách quốc tế đến các sân bay. Mỹ, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản… yêu cầu hành khách từ Trung Quốc cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Bộ Y tế Italy chuẩn bị khuyến nghị các biện pháp chống đại dịch Covid-19 nếu tình hình dịch bệnh tại nước này xấu đi. Trong thông báo mới, Bộ Y tế cho biết, “sẽ khuyến nghị sử dụng khẩu trang trong nhà, làm việc tại nhà và giảm tụ tập đông người, cũng như thúc đẩy hệ thống thông gió trong nhà và tiêm chủng nhiều hơn. Bộ này cũng khuyến nghị tăng cường hệ thống giám sát và tăng cường giải trình tự bộ gene để phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.”
Italy vẫn yêu cầu những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước này phải tự cách ly với thời gian tối thiểu là 5 ngày. Thời gian cách ly chỉ kết thúc khi người lây nhiễm phải không có triệu chứng trong ít nhất 2 ngày và phải có kết quả âm tính với xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Hiện hầu như không có quy định về Covid-19 được áp dụng tại Italy. Trước đó, yêu cầu đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng đã kết thúc vào tháng 9/2022.
Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này đang lên kế hoạch siết chặt các biện pháp kiểm tra y tế như một phần của chính sách kiểm soát biên giới nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Trong tuyên bố ngày 3/1, Bộ trưởng Y tế Zaliha Mustafa cho biết, bộ này sẽ đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong nước và sẵn sàng ứng phó nếu số ca mắc gia tăng.
Để phòng ngừa dịch Covid-19 lây lan, Bộ trưởng Zaliha kêu gọi người dân tiêm vaccine mũi tăng cường thứ hai, đặc biệt là những người có nguy cơ cao. Giới chuyên gia y tế trong nước khuyến nghị, chính phủ nên áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong giờ làm việc đối với những nhân viên sản xuất và chế biến thực phẩm.
Theo các chuyên gia y tế, việc dự báo về dịch Covid-19 trên thế giới sẽ khó khăn hơn từ năm 2023 do tác động phức tạp giữa các biến thể, vaccine và khả năng miễn dịch tự nhiên cũng như việc giảm truy vết. Vẫn còn khác biệt lớn trong các biện pháp can thiệp dùng thuốc và không dùng thuốc trên khắp thế giới.
Tuần trước, nhân Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27-12, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc António Guterres đã nhắc lại những tác động to lớn trên nhiều mặt của đại dịch Covid-19. Ông António Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế ghi nhớ những bài học sâu sắc từ đại dịch Covid-19 và đầu tư mạnh mẽ hơn vào việc chuẩn bị, phòng ngừa và ứng phó với đại dịch.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lo-lan-song-covid-19-moi-5706757.html