Lo lắng chuyện gạo Việt vào Trung Quốc giảm đến 75%
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay là kết quả không mấy bất ngờ khi thị trường này đã có sự điều chỉnh về chính sách nhập khẩu.
Xuất khẩu giảm vì chính sách thay đổi
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, trị giá đạt khoảng 1,18 tỉ đô la Mỹ, giảm 20,4%. Trong đó, riêng với thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2019 đạt 111,3 triệu đô la, giảm đến 75% so với cùng kỳ. Đây cũng là thị trường có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất.
Xuất khẩu gạo vào Trung Quốc giảm mạnh như nêu trên là do thị trường này đã thay đổi chính sách nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, từ năm nay, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN.
Theo đó, gạo Việt Nam muốn vào thị trường này phải đảm bảo các quy định như thời gian xông trùng phải đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở của Trung Quốc kiểm nghiệm; bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và phải được cơ quan kiểm nghiệm của quốc gia này đóng dấu.
“Trường hợp không đáp ứng thì bị từ chối cấp chứng thư nhập khẩu”, ông cho biết.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Phát Long, Giám đốc Công ty TNHH Phát Tài cho biết, riêng với thị trường Trung Quốc, ngoài việc thuế xuất khẩu vào đây tăng, thì yêu cầu nâng cao chất lượng, tăng cường kiểm soát hàng hóa và kiểm tra về an toàn thực phẩm là những yếu tố khiến xuất khẩu gạo Việt Nam vào nước này sụt giảm mạnh.
Dẫn chứng điều này, theo ông Long, Việt Nam có 21 doanh nghiệp đạt yêu cầu xuất khẩu gạo vào Trung Quốc, nhưng từ năm 2019, phía Trung Quốc bắt buộc phải xuất tại cửa của 21 doanh nghiệp này, tức không được nhận xuất ủy thác cho các đơn vị khác. “Năm 2018, 21 doanh nghiệp này còn có thể nhận xuất ủy thác cho mấy đơn vị chưa có giấy phép, nhưng năm nay (2019) phải xuất trực tiếp, không được xuất ủy thác nữa”, ông cho biết.
Ngoài ra, theo ông, phía Trung Quốc cũng yêu cầu doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu vào quốc gia này phải đăng ký công suất nhà máy. Chẳng hạn, doanh nghiệp có nhà máy công suất 100 tấn/ngày, tương đương 36.500 tấn/năm, thì mỗi năm xuất không quá số lượng đó, nếu vượt quá sẽ bị cắt giấy phép.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, thị trường Trung Quốc gần đây đã chuyển từ thương mại biên mậu không chính thức, sang mua bán chính ngạch, đồng thời đã nâng cao yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, hóa đơn chứng từ…, nên dẫn đến sụt giảm.
“Đây là nguyên nhân quan trọng nhất khiến giảm xuất khẩu nông sản, đặc biệt là với lúa gạo”, ông nhấn mạnh.
Muốn khai thác tốt thị trường thì phải thay đổi
Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc đã thay đổi chính sách nhập khẩu, theo gợi ý của ông Doanh, Việt Nam phải nỗ lực thực hiện bằng được các yêu cầu đặt ra của Trung Quốc. “Chúng ta phải tiếp tục tranh thủ thị trường Trung Quốc vì đây là thị trường đông dân nhất và là nước láng giềng của Việt Nam”, ông nhấn mạnh và cho rằng về mặt văn hóa cũng có nhiều điểm tương đồng, cho nên, khó khăn đối với xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2019 sẽ là “bài học” để Việt Nam nâng cao chất lượng và phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa.
Theo ông, những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sang Trung Quốc phải thông thạo tiếng Hoa và nên thiết lập mối quan hệ thân thiết với thương nhân Trung Quốc. “Buôn bán với Trung Quốc, thì điều rất quan trọng là phải xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với phía Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Võ Hùng Dũng, nguyên giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho rằng, Trung Quốc trước đây nhập tiểu ngạch nên việc kiểm hàng, đi được khối lượng lớn rất dễ.
“Nhưng, khi họ điều chỉnh, tức lượng xuất khẩu giảm, cho nên, phần sản xuất trong nước cũng nên điều chỉnh theo cho phù hợp”, ông cho biết.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho rằng, những yêu cầu về chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm là đòi hỏi cơ bản, tất yếu của tất cả các thị trường nhập khẩu, chứ không riêng Trung Quốc.
“Một khi Việt Nam đã gia nhập thương mại thế giới, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thì cần chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, những yêu cầu của khách hàng đưa ra”, ông Thành cho biết.
Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động và kịp thời thông báo đến doanh nghiệp những thay đổi về mặt chính sách để doanh nghiệp có thể ứng phó kịp thời.
Còn ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương gợi ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên đề nghị phía Trung Quốc tiếp tục triển khai các đợt đánh giá thực tế và công nhận các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam được xuất khẩu gạo vào quốc gia này.
Năm 2019, lượng hạn ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc vẫn ở mức 5,32 triệu tấn, trong đó, có 2,66 triệu tấn gạo hạt dài; 2,66 triệu tấn gạo hạt tròn. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, Trung Quốc sẽ không dùng hết lượng hạn ngạch này, mà chỉ nhập khẩu khoảng 3,5 triệu tấn trong năm 2019, giảm 1 triệu tấn so với năm trước.
Trung Chánh