Lọ Lem bên bờ biển
TP Tuy Hòa nhìn từ trên cao. Ảnh: NGỌC THẮNG
Truyện cổ tích về cô bé Lọ Lem được anh em nhà Grimm (Đức - thế kỷ XIX) sưu tầm, giới thiệu rất nổi tiếng, được mọi lứa tuổi trên thế giới yêu thích. Câu chuyện kể về cô gái nhân hậu có hoàn cảnh không may, phải náu mình trong lốt lọ lem xấu xí, khi được hoàng tử cầu hôn đã vụt trở về với hình hài rực rỡ. Từ đó, khi nói về Lọ Lem có nghĩa là nói về sự lột xác vươn lên đến mức thần kỳ. Tôi muốn dùng hình ảnh ấy để ví sự phát triển của TP Tuy Hòa - nơi tôi có quá nhiều duyên nợ.
Tuy Hòa trước khi chia tách tỉnh năm 1989 là một thị xã nghèo, nhỏ bé của tỉnh Phú Khánh. Thị xã khi đó có trục phố chính là đường Trần Hưng Đạo chạy từ quốc lộ 1 đi về hướng biển. Bên cạnh có thêm đường Lê Lợi chạy song song, những con phố nhỏ tỏa ra từ trục này là những con đường đá bụi bặm. Trung tâm của thị xã là chợ Tuy Hòa nằm ngay trên đường Trần Hưng Đạo. Dọc tuyến đường này có những hiệu buôn, một số tiệm vàng…
Những gia đình sống trên đường này mặc nhiên được coi là giới nhà giàu của thị xã. Thị xã bé như bàn tay, bờ biển thị xã um tùm rừng dương, bãi biển hoang sơ. Thị xã nhỏ giữ nguyên nét mộc mạc, hồn hậu của vùng đất vốn là nông thôn. Tuy Hòa khi ấy nổi tiếng bởi cà phê chế biến ngon, nhận xét đó là của cánh lái xe đường dài, thời bao cấp mới có điều kiện vi vu đây đó. Hợp tác xã mua bán Bình Kiến khi ấy là điển hình của thời bao cấp, buổi sáng có món cháo lòng, cà phê ngon mà rẻ. Khi có khách ra công tác, mấy anh em lại chở nhau đi Bình Kiến theo quốc lộ 1.
Giáp Tết, những chuyến xe chạy bằng khí than tấp nập chở đường, mật từ La Hai, chở chuối, cà phê… từ Sơn Thành về bến xe nhỏ cạnh chợ. Từ đây những chuyến xe lầm lũi tỏa đi khắp nơi, chạy vào Nha Trang mang theo đủ sản vật.
Năm 1989 chia tách tỉnh. Lãnh đạo Phú Yên khi đó mới có điều kiện quy hoạch lại thị xã để xứng tầm là tỉnh lỵ. TX Tuy Hòa được vạch lại hình hài, định hướng phát triển thành một thành phố theo hướng chính Bắc - Nam. Lần lượt những con đường được phóng tuyến song song theo đó, mở đầu là đại lộ Hùng Vương trở thành trục phát triển chính như xương sống của thành phố. Tiếp sau là nối dài các tuyến Lê Duẩn, Độc Lập… Rồi đến xây tuyến đường tránh phía tây thị xã, đoạn quốc lộ từ đầu cầu Đà Rằng chạy qua thị xã trở thành đại lộ Nguyễn Tất Thành...
Thành phố giờ tuy còn ít nhà cao tầng, nhưng hướng tương lai đã thấy thênh thang với nét quy hoạch hiện đại, dứt khoát. Giữa thời buổi đất đô thị tấc đất tấc vàng, nhưng một công viên trung tâm mênh mông với hồ điều hòa được ưu tiên xây dựng giữa lòng thành phố. Tuy Hòa vẫn còn nhỏ bé, chưa nhiều nhà cao tầng nhưng đã thấy dáng hình của nàng Lọ Lem lộng lẫy soi mình bên bờ biển.
Từ khi tuyến đường ven biển nối Tuy An với TP Tuy Hòa hoàn thành, một quỹ đất mênh mông mở ra cho thành phố phát triển dọc theo biển.
Tết vừa rồi, tôi quyết định quay trở lại thành phố này đón Tết. Lấy phòng ở một khách sạn cuối đường Trần Hưng Đạo xong, thả bộ đi quanh mà lòng rộn lên những cảm xúc khó tả. Chả còn dấu tích gì về một thị xã nhỏ bé nữa, thay vào đó là một thành phố được quy hoạch theo hướng thành phố xanh, với một quảng trường, một công viên mênh mông giữa trung tâm. Thành phố đang hiện đại với những đại lộ, cao ốc, nhưng hình như lòng người vẫn chân chất vậy.
Tuy Hòa, một phần tuổi trẻ tôi gửi gắm ở đó. Thành phố như tình yêu và nỗi nhớ để ở từ xa lắng nghe nhịp thở. Để từ xa ngắm hình hài đang ngày một rực rỡ của nàng Lọ Lem soi mình bên bờ biển.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/253968/lo-lem-ben-bo-bien.html