Lo lỗ vốn khi cưới chạy hậu dịch
Nhiều cặp vợ chồng chỉ muốn làm kịp ngày đẹp, không dám lo chuyện đám cưới lỗ hay lãi. Một số khác tiếp tục chờ đến khi được tổ chức lớn với đông khách mời.
Văn Hải (28 tuổi) không dám nghĩ đến chuyện thiệt hơn khi tổ chức đám cưới nhỏ gọn, ít khách mời.
Trước đó, ngày 24/10, sau hai năm hẹn hò, cả lễ ăn hỏi và đón dâu của anh với cô dâu Vân Ngọc (25 tuổi) cùng diễn ra trong cùng một ngày.
“Vì là chuyện cả đời, gia đình chúng tôi không quan tâm đến việc đám cưới lỗ hay lãi, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh hiện nay. Chúng tôi chỉ lo tổ chức sao cho thật gọn gàng mà vẫn đảm bảo đầy đủ thủ tục truyền thống, đồng thời đảm bảo an toàn sức khỏe cho những người tham dự”, anh chia sẻ.
Không dám lo đám cưới lỗ vốn
Do lo ngại Covid-19 diễn biến khó lường và thành phố có thể giãn cách thêm, từ ngày đôi trẻ quyết định kết hôn đến hôm diễn ra hôn lễ chỉ tròn một tuần.
Mọi công đoạn chuẩn bị diễn ra nhanh chóng. Gia đình hai bên đều thống nhất làm đám cưới đơn giản nhưng phải tươm tất, đầy đủ.
Chẳng hạn, lễ hỏi có 9 tráp, gồm trầu cau, bánh kẹo, rượu thuốc, lợn quay... đúng như thủ tục truyền thống. Họ dựng rạp cưới lộng lẫy nhưng không bày biện cỗ bàn linh đình, chỉ làm vài mâm cơm gọn gàng mời những người họ hàng thân thiết.
Ngày trọng đại đã diễn ra suôn sẻ trên tinh thần “cưới chạy dịch”, song vợ chồng Văn Hải và Vân Ngọc vẫn buồn khi phải bỏ ngỏ tiệc cưới. Họ cũng chưa kịp chụp ảnh cưới và tận hưởng kỳ nghỉ tuần trăng mật.
“Tôi khá buồn khi chỉ tiếp đãi được họ hàng nội, ngoại hai bên. Bởi vậy, nếu tình hình ổn định hơn trong tương lai, chúng tôi vẫn dự định làm tiệc báo hỷ. Hy vọng lúc đó, bạn bè, đồng nghiệp và cả những người thân ở các tỉnh, thành khác có thể chung vui với hai vợ chồng”, anh chia sẻ với Zing.
“Có lẽ vì trải qua cảm giác trống trải của đám cưới không khách mời, chúng tôi chỉ mong mọi người tham dự đủ đầy”, chú rể chia sẻ thêm.
Cũng đám cưới ngay sau dịch, đôi vợ chồng Nguyễn Trần Đạt (28 tuổi, Hà Nội) và vợ Minh Thy (26 tuổi, Hưng Yên) cố gắng tổ chức nhanh chóng, gọn gàng.
"Gia đình hai bên đều biết cưới thế này khá lỗ vốn. Cha mẹ chúng mình đi đám cưới họ hàng, bạn bè đầy đủ nhiều năm nay. Đám cưới của hai đứa sẽ là dịp mời lại mọi người, đồng thời cũng có một số tiền mừng cưới lớn. Tuy nhiên, vì dịch bệnh, mọi người an ủi nhau cưới được là tốt lắm rồi", Đạt nói với Zing.
Có cùng suy nghĩ, cô dâu Minh Thy cũng cho biết ở quê cô, đám cưới không chỉ là ngày vui, mà còn là một dịp trả lễ của người lớn.
"Đám cưới con cháu bạn bè, họ hàng bố mẹ mình thường mừng đầy đủ. Sau nhiều năm, số tiền này quả thật rất nhiều. Mình là con lớn, lễ cưới muốn tổ chức đầy đủ để có thể nhận lại số tiền này cho bố mẹ. Nhưng tình hình cưới chạy thế này, số tiền mừng được nhận gần như bằng không", Minh Thy nói.
Ngược lại, ưu tiên của hai vợ chồng Thùy Dương (26 tuổi, Hà Nội) lúc này là tổ chức hôn lễ kịp lấy ngày đẹp.
Những ngày này, họ bận rộn chuẩn bị cho đám cưới dự kiến diễn ra vào cuối tháng 12, bao gồm tráp hỏi, trang trí tư gia, trang phục và thợ make up.
Vợ chồng cô mới bàn chuyện cưới hỏi ngay sau khi thành phố nới lỏng giãn cách.
Do tình hình dịch bệnh phức tạp, họ lập 2 kế hoạch tổ chức: tách riêng 2 ngày ăn hỏi và tiệc cưới, hoặc gộp chung vào cùng 1 ngày.
Mong muốn của đôi trẻ là được chia sẻ tin vui trực tiếp với gia đình, bạn bè thân thiết. Danh sách khách mời được giản lược tối đa để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Việc thu hẹp quy mô hôn lễ không khiến Thùy Dương buồn lòng.
Ngược lại, cô cảm thấy hạnh phúc vì được thực hiện hóa đám cưới trong mơ - một hôn lễ chỉ không cầu kỳ hình thức, chỉ cần người thân đến chung vui.
“Hai gia đình chuẩn bị đám cưới mùa dịch trong tâm thế phấn khởi. Chẳng ai lo ‘lỗ vốn’ vì ít khách mời. Mẹ tôi chỉ sợ chưa chuẩn bị đủ đầy, thiệt thòi cho đứa con gái duy nhất đi lấy chồng mà thôi”, cô chia sẻ.
Vẫn chờ một đám cưới đủ đầy
Song song với đó, một số cặp vợ chồng tính toán cẩn thận hơn về kinh phí khi tổ chức hôn lễ.
Hà Nhi (23 tuổi, Vinh) thừa nhận đám cưới thực tế khác hơn nhiều so với hôn lễ cô từng mơ. Cô đính hôn với bạn trai từ tháng 6. Họ cũng ấn định ngày đẹp vào tháng 2/2022 để tổ chức đám cưới.
“Vì là mơ mộng, đám cưới trong suy nghĩ của tôi hoành tráng lắm. Song khi tự tay chuẩn bị cho hôn lễ, tôi thấy nhiều thứ thực sự chẳng cần thiết”, cô chia sẻ.
Chẳng hạn, ban đầu Hà Nhi muốn thực hiện một lễ đường toàn hoa, tương tự cảnh thường thấy ở phim ảnh nước ngoài. Tuy nhiên, thành phố Vinh không có nhiều đội ngũ trang trí đám cưới đáp ứng được nhu cầu như Hà Nội hay TP.HCM.
Hơn nữa, cô cho biết chi phí thực hiện rất tốn kém, lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, vợ chồng cô tự chuẩn bị cho hôn lễ, không nhận sự hỗ trợ tài chính từ gia đình nên cần cân đối kinh phí hợp lý.
Cô cũng từng chỉ muốn tổ chức đám cưới nhỏ gọn, ấm cúng và chỉ mời gia đình, bạn bè thân thiết nhất.
Nhưng khi tính toán đến chi phí bỏ ra và khoản tiền mừng thu về, hai vợ chồng nhận thấy rằng một hôn lễ theo phong cách tối giản sẽ tốn kém hơn đám cưới lớn truyền thống.
Điều này khá bất lợi cho những đôi trẻ tự túc chuẩn bị hôn lễ như vợ chồng Hà Nhi.
“Sự hiện diện của gia đình và bạn bè thân thiết tại hôn lễ là quan trọng nhất. Tuy nhiên, khi tổ chức một đám cưới lớn, bố mẹ, ông bà hai bên có thể mời thêm họ hàng xa hoặc bạn bè của họ. Nhờ đó, chi phí tổ chức sẽ giảm nhiều”, cô chia sẻ.
Hà Nhi cho biết vợ chồng cô vẫn tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch của chính quyền địa phương. Bởi vậy, cô và chồng quyết định tổ chức đám cưới với đầy đủ thủ tục, nghi lễ và quy mô như trước dịch, không có thêm kế hoạch dự phòng nào.
“Còn 4 tháng nữa mới đến ngày trọng đại. Hơn nữa, hiện hầu hết mọi người đã được phủ ít nhất một mũi vaccine nên tôi tự tin về kế hoạch tổ chức đám cưới lớn”, cô nói thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lo-von-khi-cuoi-chay-hau-dich-post1276184.html