Lo mất dự án tỷ USD vì thiếu quy hoạch
'Nếu không có quy hoạch ở cấp quốc gia thì địa phương không biết làm thế nào. Do đó, quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải làm sớm', Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.
Ngày 15/7, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thi hành Luật Quy hoạch, trọng tâm là tình hình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch.
Ông nhấn mạnh đây là lần đầu chúng ta có một luật thống nhất để quản lý các quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh và chuyên ngành.
Theo Phó thủ tướng, đầu tư phát triển phải căn cứ vào quy hoạch, tránh tình trạng đầu tư theo phong trào dẫn đến khủng hoảng thừa hoặc thiếu.
Ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh theo luật mới, việc lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh hay chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cấp tỉnh đã bãi bỏ và sẽ thực hiện khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt.
Vì thế, khi gặp các yếu tố mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, các quy hoạch trên không thể tổ chức điều chỉnh. “Việc này gây tác động tiêu cực, làm giảm thu hút đầu tư, chậm triển khai thực hiện các dự án đầu tư, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương”, ông Sinh nói.
Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay là không có quy định chuyển tiếp, không cho phép điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, trình tự điều chỉnh theo luật rất phức tạp.
Chia sẻ thực tế ở Bộ Công Thương, ông An cho hay Bộ có 3 lĩnh vực vướng mắc lớn nhất là điện, khoáng sản và năng lượng.
Đối với lĩnh vực điện, đã có quy hoạch điện quốc gia, tỉnh, thành nhưng hiện có 369 dự án điện… đều đang tắc. Trong khi đó, điện liên quan rất nhiều đến phát triển kinh tế. Khi nhà đầu tư đến là "chúng ta vắt chân lên cổ để lo".
Trong hàng trăm dự án điện thuộc diện trên, ông An cho biết có nhiều dự án rất cấp bách nhưng "văn bản đã nằm trên bàn Thủ tướng mà không thể phê duyệt được". Các tỉnh gặp Bộ Công Thương thì liên tục hỏi bao giờ được điều chỉnh mà không thể trả lời.
Với vướng mắc về năng lượng, ông An nhắc tới lĩnh vực xăng dầu và cho biết sắp tới có các dự án hóa dầu rất lớn nhưng cũng lại chưa có quy hoạch. “Nếu để lỡ các dự án lớn hàng tỷ đôla thì rất đáng tiếc”, ông An nói.
Theo ông An, đến tháng 11/2021 mới có quy hoạch tổng thể quốc gia, nghĩa là từ nay đến đó, các quy hoạch bên dưới đều không thể thực hiện vì quy định quy hoạch cấp trên phải làm trước.
“Nếu không có quy hoạch ở cấp quốc gia thì địa phương không biết làm thế nào. Do đó, quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải làm sớm, nếu không bên dưới sẽ tắc hết”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Doanh nghiệp kéo dài thời gian làm dự án, chờ ứng xử của chính quyền
Về phía các địa phương, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu vướng mắc khi luật mới bãi bỏ quy hoạch ngành, lĩnh vực trong khi chưa có quy hoạch mới đã làm ảnh hướng lớn đến đầu tư, huy động nguồn lực của TP.
Ông kiến nghị Trung ương cho phép TP trong khi chưa có quy hoạch mới thì tiếp tục thực hiện các nội dung trong các quy hoạch được duyệt, khi nào có quy hoạch mới thì bãi bỏ cái cũ.
Chủ tịch UBND Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng băn khoăn khi lộ trình dự kiến phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia vào 2021. Theo ông trong khoảng 2 năm từ nay đến đó sẽ tạo ra khoảng trống rất lớn với các bộ, ngành, địa phương.
“Hiện, Chính phủ cho phép các địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh song song với lập quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, nhưng làm song song mà đảm bảo phù hợp thì rất khó. Chắc chắn sẽ có điểm vênh, gây tốn kém về thời gian, kinh phí”, ông Thắng chia sẻ.
Đặt vấn đề nhiều địa phương hoàn thành quy hoạch tỉnh trước quy hoạch quốc gia, ông Thắng hỏi liệu Chính phủ có cơ chế nào để cho phép các địa phương áp dụng trước khi Quốc hội phê chuẩn quy hoạch tổng thể không.
Về việc điều chỉnh các quy hoạch được tích hợp trong quy hoạch tỉnh, ông Thắng nêu thực tế chưa được quy định cụ thể. Đồng nghĩa với việc trước khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt thì tất cả quy hoạch dự kiến được tích hợp sẽ phải giữ nguyên, không được điều chỉnh, ngay cả khi có những nội dung cần sửa đổi cho phù hợp với phát triển của tỉnh.
Vì vậy các địa phương đều gặp khó, nhất là việc bổ sung các dự án cấp bách.
Dẫn chứng tại Quảng Ninh, ông cho biết năm 2018, Thủ tướng đã cho phép Quảng Ninh được bổ sung vào quy hoạch việc thành lập khu kinh tế Quảng Yên, bổ sung một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhưng khi đang triển khai thì Luật Quy hoạch mới có hiệu lực nên bị vướng, chưa thể triển khai tiếp.
“Việc này ảnh hưởng rất lớn đến các nhà đầu tư, đặc biệt ở khu kinh tế Quảng Yên. Khi triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, các nhà đầu tư cũng đang tìm cách kéo dài thời gian để chờ ứng xử của chính quyền”, Chủ tịch Quảng Ninh chia sẻ.
Không có quy hoạch thì “không ai dám làm gì”
Lắng nghe các ý kiến, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Luật Quy hoạch là công cụ pháp lý rất quan trọng để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện.
Đây cũng là công cụ giúp Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đề ra định hướng, mục tiêu chiến lược, xác định các động lực phát triển, không gian phát triển của mỗi ngành, vùng, địa phương và cả quốc gia. Nó giúp đảm bảo sự phát triển đồng bộ, thống nhất nhằm khai thác nguồn lực một cách tiết kiệm, hiệu quả.
“Làm gì cũng phải theo quy hoạch, không có thì tắc hết, phải làm mò mẫm, không hiệu quả. Như vậy rất ảnh hưởng đến phát triển”, Phó thủ tướng lưu ý.
Ông đưa ra so sánh ở các nước tiên tiến có quy hoạch rất chi tiết, ví dụ quy định số lượng xe taxi mỗi năm, số cửa hàng ăn trên mỗi tuyến phố… để không dư thừa sản phẩm xã hội.
Nhấn mạnh làm quy hoạch rất khó, nhưng theo Phó thủ tướng, không có thì không lập được kế hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương.
Ông nhìn nhận thực tế tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch hiện còn lúng túng ở cả Trung ương và địa phương nên dẫn đến chậm, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn mới.
Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch, theo Phó thủ tướng cũng là cái vướng mắc, cần có điều chỉnh cục bộ thay vì quy định 5 năm được điều chỉnh một lần.
“Không ai có thể nói Luật Quy hoạch của chúng ta là tốt nhất vì nhận thức là cả quá trình. Điều chỉnh quy hoạch cho tốt hơn là điều rất khuyến khích, nó khác với điều chỉnh quy hoạch vì lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng, phương hại đến lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng”, Phó thủ tướng lưu ý.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/lo-mat-du-an-ty-usd-vi-thieu-quy-hoach-post967113.html