Lộ mặt kẻ đê hèn triệt hạ vườn cây quý
Huyện Di Linh là địa phương có diện tích cây công nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Lâm Đồng với các loại chủ lực là cà phê, sầu riêng, hồ tiêu... Thời gian qua, trên địa bàn huyện liên tiếp xảy ra những vụ triệt phá, hủy hoại tài sản là cây công nghiệp, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận.
Gần đây nhất, sáng 29/4, vợ chồng anh Vũ Xuân Hải (SN 1983, ngụ thôn 7, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh) vào rẫy để cắt tỉa cành, chăm sóc cho vườn cà phê 3 năm tuổi, đang cho ra quả thì phát hiện hàng loạt cây cà phê xanh tốt mơn mởn bị chặt hạ.
Theo thống kê, khoảng 110 cây cà phê của gia đình anh Hải bị kẻ xấu chặt hạ sát gốc. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên rẫy cà phê của gia đình nông dân này bị phá hoại. Theo chủ rẫy, từ năm 2015 đến nay, vườn cà phê của gia đình anh đã 8 lần bị kẻ xấu chặt phá. Lần ít nhất là vài chục cây, nhiều thì lên đến hơn 200 cây, gây thiệt hại rất lớn cho gia đình anh Hải.
Trước đó, chiều 17/4, ông Nguyễn Văn Phạm (thôn 15, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh) vào thăm rẫy cũng tá hỏa khi phát hiện vườn sầu riêng của gia đình bị triệt hạ ngổn ngang. Nhận được trình báo của bị hại, Công an huyện Di Linh đã tới thống kê thiệt hại, khám nghiệm hiện trường để phục vụ công tác điều tra, truy tìm thủ phạm.
Tổng cộng 120 cây sầu riêng đã bị kẻ xấu chặt hạ, cưa đổ hoặc đẽo bạt gốc. Trong đó có 100 cây đã trồng 5 năm tuổi đang ra bông và 20 cây 1 năm tuổi. Theo ông Phạm, gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cùng công sức để trồng, chăm sóc vườn sầu riêng hơn 1ha này suốt nhiều năm qua.
“Tôi mong muốn cơ quan chức năng tìm ra thủ phạm để xử lý nghiêm trước pháp luật giúp gia đình tôi yên tâm sản xuất, làm ăn chứ thế này thì hoang mang quá!...”, ông Phạm trình bày.
Cũng liên quan đến hủy hoại tài sản là cây công nghiệp, sau một thời gian truy xét, đầu tháng 5-2020, Công an huyện Di Linh đã triệu tập Nguyễn Thanh Long (SN 1971) cùng con trai là Nguyễn Cao Trí (SN 1992, cùng ngụ thôn 9, xã Hòa Nam, huyện Di Linh) lên lấy lời khai phục vụ công tác điều tra, làm rõ hành vi hủy hoại tài sản của gia đình ông Trịnh Minh Tiến (SN 1975, ngụ tại thôn 4, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm).
Trước đó, tháng 2/2020, Công an huyện Di Linh nhận được trình báo của ông Tiến về việc rẫy cà phê của gia đình ông tại thôn 13, xã Hòa Nam (huyện Di Linh) bị kẻ xấu chặt phá 565 cây cà phê, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Vào cuộc điều tra, Công an huyện Di Linh đã xác định Long và Trí là đối tượng đã gây ra vụ hủy hoại tài sản trên.
Bước đầu, Công an huyện Di Linh xác định, nguyên nhân dẫn đến việc Nguyễn Thanh Long và con trai thực hiện hành vi cưa hạ vườn cà phê của ông Tiến là do tranh chấp đất đai giữa 2 gia đình. Làm việc với Công an huyện Di Linh, ông Nguyễn Thanh Long thừa nhận đã cùng con trai là Nguyễn Minh Trí cưa hạ toàn bộ 565 cây cà phê nói trên.
“Từ kết quả điều tra cho thấy, bản án của TAND 2 cấp tuyên xử phần đất nói trên thuộc về quyền sử dụng của ông Trịnh Minh Tiến. Vì thế việc ông Nguyễn Thanh Long và con trai cưa hạ vườn cà phê của ông Tiến có dấu hiệu của hành vi hủy hoại tài sản. Hiện, Công an huyện đang hoàn tất các thủ tục để trưng cầu định giá trị tài sản bị thiệt hại làm cơ sở khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật; đồng thời, ra lệnh cấm đi khỏi địa phương đối với ông Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Minh Trí để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ việc!...”, Trung tá Võ Khánh Vân cho biết.
Theo thực tế cho thấy, hầu hết các vụ triệt phá hoa màu của người dân đều xảy ra tại khu vực rẫy vắng, cách xa khu dân cư. Nguyên nhân dẫn đến các vụ hủy hoại tài sản cây công nghiệp thường bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong cuộc sống hoặc phát sinh từ việc tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, nếu không được cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc, triệt để rất dễ dẫn đến tình trạng “lờn luật”, tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự.