Lo mưa lũ, ngành giáo dục cho phép lùi khai giảng nếu chưa an toàn
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục, các trường học chủ động phòng chống mưa lũ, sạt lở. Trong điều kiện không đảm bảo an toàn có thể xem xét lùi ngày khai giảng năm học mới.
Chỉ còn một ngày nữa, hàng chục triệu học sinh, sinh viên, giáo viên trên cả nước sẽ tưng bừng tổ chức lễ khai giảng đón năm học mới 2019-2020. Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện có tới hai cơn áp thấp nhiệt đới đang ảnh hưởng đến Việt Nam.
Cảnh báo mưa lớn
Thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương ngày 3/9 cho biết, hiện có hai áp thấp nhiệt đới, một trên đất liền và một trên biển Đông. Trong đó, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông hiện đã suy yếu thành một vùng áp thấp và dự kiến tiếp tục suy yếu thêm trong 24 giờ tới.
Ảnh hưởng của hai áp thấp đã và đang tiếp tục gây mưa lớn tại nhiều địa phương đến ngày 5/9. Đây cũng là ngày khai giảng năm học mới.
Cụ thể, áp thấp nhiệt đới trên đất liền hiện vẫn đang gây ảnh hưởng tại các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 4/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Đến 10 giờ ngày 5/9, ngày khai giảng năm học mới, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở ngay trên vùng biển phía Nam đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của hai áp thấp, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài đến ngày khai giảng, 5/9. Tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế 500-700mm/đợt, có nơi trên 700mm/đợt. Khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (200-300mm/đợt), Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông (100-150mm/đợt). Áp thấp cũng khiến khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao 2 đến 4m; biển động mạnh; ở vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió giật mạnh cấp 7-8.
Lùi ngày khai giảng nếu chưa an toàn
Theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, ảnh hưởng của áp thấp cũng như cơn bão số 4 vừa qua không gây thiệt hại về cơ sở vật chất trường lớp cho địa phương. Tuy nhiên, ông Thành cũng bày tỏ lo ngại về việc mưa lớn liên tục trong thời gian qua và tiếp tục mưa lớn trong những ngày tới sẽ có thể gây sạt lở ở các huyện miền núi.
“Thường sạt lở, lũ quét sẽ xảy ra một, hai ngày sau mưa lớn, cũng đúng vào dịp khai giảng năm học mới. Điều này có thể ảnh hưởng đến cơ sở vật chất của các trường và việc đi lại của học sinh. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị chủ động lên phương án dự phòng để có giải pháp ứng phó kịp thời,” ông Thành chia sẻ.
Tại tỉnh Thanh Hóa, công tác xây dựng lại điểm Trường tiểu học khu Son, bản Sa Ná, xã Na Mèo (huyện Quan Sơn), cũng đang được tích cực hoàn thiện để đón năm học mới. Điểm trường đã bị lũ cuốn phăng toàn bộ trong cơn bão số 3 diễn ra đầu tháng Tám vừa qua. Theo ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, địa phương đang nỗ lực để đảm bảo cho học sinh có chỗ học trong năm học mới, còn khuôn viên trường sẽ phải xây dựng lại dần dần.
Trong khi vừa chịu thiệt hại nặng nề bởi hai cơn bão số 3 và số 4, Thanh Hóa vẫn tiếp tục được cảnh báo có mưa lớn do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới. Ủy ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã lập tức có công điện rà soát các khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở, đặc biệt là vùng trung du và miền núi.
Đây cũng là nguy cơ có thể xảy ra ở các huyện miền núi của các địa phương chịu ảnh hưởng bởi áp thấp như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…
Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa to kèm theo lốc xoáy khiến mái trường học, hàng chục nhà của các hộ dân trên địa bàn huyện Thạch Hà bị tốc mái, hư hỏng nặng. Tại Quảng Bình, một người dân đã bị lũ cuốn trôi, một số địa bàn bị chia cắt.
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công điện khẩn gửi các sở giáo dục và đào tạo, trường đại học, trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và các đơn vị trực thuộc Bộ tại các tỉnh, thành phố khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên về việc phòng chống mưa bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị trực thuộc tại các tỉnh, thành phố khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên khẩn trương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, tình hình mưa lũ, đảm bảo thông tin kịp thời, đầy đủ. Các sở, trường chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra; kiểm tra tình trạng các công trình trường, lớp học, lên phương án bảo đảm an toàn cơ sở vất chất, thiết bị dạy học, tài liệu thư viện, hồ sơ, giấy tờ,…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu giám đốc các sở, hiệu trưởng các trường trực tiếp chỉ đạo, điều động cán bộ, giáo viên tổ chức túc trực, kiểm tra sẵn sàng ứng phó và phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác ứng phó bão lũ. Nhà trường cũng cần lên phương án vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp cho khai giảng năm học mới, xem xét lùi ngày khai giảng nếu chưa an toàn.../.