Lo ngại an ninh, căn cứ lính thủy đánh bộ Mỹ loại bỏ pin Trung Quốc
Dưới áp lực của Quốc hội Mỹ, công ty tiện ích Mỹ Duke Energy, quyết định loại bỏ các loại pin lưu trữ năng lượng do hãng Trung Quốc CATL sản xuất đang được sử dụng tại một trong những căn cứ thủy quân lục chiến lớn nhất nước, đồng thời loại bỏ dần sản phẩm CATL tại các dự án dân sự, công ty xác nhận với Reuters ngày 9/2.
Quyết định được đưa ra khi các quan chức hàng đầu của Mỹ cảnh báo rằng tin tặc có mối liên hệ với Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng được liên kết với mạng của Mỹ, bao gồm lưới điện.
Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ảnh hưởng doanh nghiệp hai nước
Duke Energy đã tạm thời ngắt kết nối pin lưu trữ CATL quy mô công nghiệp khỏi một dự án ở căn cứ Thủy quân lục chiến Camp Lejeune sau khi các nhà lập pháp và chuyên gia nêu quan ngại về mối liên hệ chặt chẽ của nhà cung cấp pin này với cơ quan quản lý Trung Quốc.
Việc ngừng hoạt động vĩnh viễn các nhà máy pin, chưa đầy một năm sau lễ cắt băng khánh thành có sự tham gia của quân đội Mỹ, là ví dụ mới nhất về việc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc đang ảnh hưởng đến giới doanh nghiệp hai nước.
Tất nhiên, sự thay đổi của Duke Energy đối với pin Trung Quốc có thể có tác động đến chuỗi cung ứng của hãng và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lưu trữ năng lượng do các nhà sản xuất Trung Quốc thống trị.
Duke Energy nói với Reuters: “Hợp tác với các nhà hoạch định chính sách và Bộ Hải quân, chúng tôi đã đưa ra quyết định ngừng hoạt động hệ thống lưu trữ năng lượng pin CATL tại căn cứ Lejeune và thay thế nó bằng một nhà cung cấp trong nước hoặc quốc gia đồng minh”.
Duke Energy tuyên bố: “Đến năm 2027, chúng tôi tự nguyện rời bỏ việc chỉ định các công nghệ lưu trữ năng lượng pin CATL”, đồng thời hỗ trợ “chuỗi cung ứng mạnh mẽ của Mỹ”.
Duke Energy đang tìm cách xoa dịu những lo ngại tại Quốc hội về các lỗ hổng mạng có thể phát sinh từ pin, cử ít nhất năm giám đốc điều hành, bao gồm cả giám đốc an ninh và thông tin của công ty đến gặp các ủy ban thuộc Hạ viện Mỹ về Trung Quốc trong tuần đầu tiên của năm 2024.
Theo hai nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận, giám đốc điều hành của Duke Energy nói với các ủy viên rằng, họ tin tưởng vào tính an toàn của pin, họ cũng bày tỏ mong muốn giải quyết những lo ngại của Quốc hội.
Các giám đốc điều hành tiết lộ trong cuộc họp rằng công ty đã xem xét pin CATL cho khoảng hai chục dự án khác. Một người quen thuộc với dự án Camp Lejeune cho biết Duke Energy không có hợp đồng trực tiếp với CATL và mua pin thông qua nhà cung cấp bên thứ ba.
Mike Gallagher, Chủ tịch ủy ban tuyển chọn lưỡng đảng, và Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói với Reuters rằng họ rất vui vì Duke Energy đã ngừng hoạt động pin CATL tại căn cứ Lejeune. Các nhà lập pháp cho biết: “Ngoài ra, trong cuộc họp gần đây nhất của chúng tôi với lãnh đạo công ty, Duke đã cam kết loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm CATL khỏi chuỗi cung ứng của mình”.
CATL, công ty hàng đầu thế giới về lưu trữ năng lượng, đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters. Sau khi Duke Energy lần đầu tiên ngắt kết nối pin tại Camp Lejeune, công ty Trung Quốc cho biết pin của họ đã vượt qua các cuộc đánh giá nghiêm ngặt về an toàn và an ninh của Mỹ.
Hệ thống thông tin liên lạc trên pin có thể bị tấn công
Hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) của công ty dự kiến sẽ được lắp đặt tại các dự án thương mại trên khắp nước Mỹ, bao gồm ở bang Texas, gần thành phố Las Vegas. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, công suất pin quy mô tiện ích của Mỹ đạt khoảng 16 GW vào cuối năm 2023 và có thể tăng gần gấp đôi lên hơn 30 GW vào cuối năm 2024.
Bất kỳ nỗ lực nào nhằm tránh sử dụng pin Trung Quốc đều có thể khiến các công ty tiện ích Mỹ rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng về nguồn cung. Vanessa Witte, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của Wood Mackenzie về lưu trữ năng lượng của Mỹ, cho biết: “Việc tránh hoàn toàn pin Trung Quốc sẽ hạn chế nghiêm trọng nguồn cung, đến mức không thể triển khai gần như đủ hệ thống lưu trữ cố định và xe điện để đáp ứng nhu cầu và mục tiêu giảm các-bon”.
Nhiều người trong ngành nói rằng bản thân pin Trung Quốc không gây ra mối lo ngại nghiêm trọng về an ninh. Tuy nhiên, các chuyên gia bảo mật cho biết hệ thống thông tin liên lạc trên pin có thể dễ bị tấn công, cho phép đối thủ tiềm năng kích hoạt các đợt tăng và cắt dòng điện liên tục vào lưới điện, gây ra sự cố liên tục. Trong năm qua, các nhà lập pháp đã tăng cường áp lực buộc Mỹ phải rời xa pin Trung Quốc.
Năm nay, một biện pháp trong dự luật chi tiêu quốc phòng hàng năm cấm Bộ Quốc phòng mua pin do CATL và một số hãng khác của Trung Quốc sản xuất. Quy định cấm có hiệu lực từ năm 2027.