Lo ngại biến thể virus SARS-CoV-2, nhiều nước tạm ngừng đi lại với Anh

Sau khi Anh phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với chủng gốc, nhiều nước đã quyết định tạm ngừng hoặc hạn chế hoạt động đi lại với Anh.

Hôm 14/12, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết các nhà khoa học nước này phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là liên quan đến tốc độ lây nhiễm gia tăng nhanh tại khu vực Đông Nam vùng England.

Phân tích ban đầu cho thấy biến thể này phát triển nhanh hơn những biến thể trước đây. Giới chức y tế đã phát hiện hơn 1.000 trường hợp nhiễm biến thể mới chủ yếu ở vùng phía nam England.

Ngày 19/12, Chính phủ Anh đã áp dụng lệnh hạn chế xã hội cấp độ 4 - cấp độ cao nhất, tương đương phong tỏa - đối với một số địa phương. Theo Bộ trưởng Matt Hancock, người dân thủ đô London và Đông Nam vùng England của Vương quốc Anh sẽ vẫn phải thực thi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn trong một thời gian và việc hủy kế hoạch nới lỏng hạn chế dịp Giáng sinh là cần thiết để khống chế sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19.

Đáng chú ý, ngoài Anh, Đan Mạch ghi nhận 9 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Hà Lan đã ghi nhận 1 ca và Australia ghi nhận 1 ca nhiễm biến thể này.

Tạm ngừng các chuyến bay tới Anh

Theo BBC, chỉ vài giờ sau khi Anh tuyên bố phong tỏa London và một số vùng ở England, Wales, Hà Lan cho biết cấm toàn bộ các chuyến bay chở khách từ Anh từ 5h giờ GMT ngày Chủ nhật, 20/12, cho đến ngày 1/1.

Bỉ dừng toàn bộ các chuyến bay và chuyến tàu từ Anh trong vòng ít nhất 24 giờ, bắt đầu từ nửa đêm Chủ nhật, trước khi giới chức xem xét cân nhắc xem có cần áp dụng các biện pháp khác hay không. Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho biết trên trang Facebook cá nhân rằng chính phủ nước này chuẩn bị ký lệnh tạm ngưng toàn bộ các chuyến bay từ Vương quốc Anh.

Chính phủ Ireland cấm các chuyến bay từ Anh tới trong ít nhất là 48 tiếng, kể từ nửa đêm và khuyến cáo những người đang ở Anh, bất kể mang quốc tịch gì, không tới Ireland bằng đường hàng không hoặc đường biển. Trong khi đó, Đức không cho phép các chuyến bay chở khách từ Anh đáp xuống sau nửa đêm Chủ nhật.

Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo, nước này đã tạm ngừng hoạt động đi lại với Anh trong 48 giờ, từ nửa đêm 20/12 đối với tất cả các phương tiện vận tải”. Theo Thủ tướng Pháp, Paris sẽ sử dụng thời gian 2 ngày này để làm rõ tình hình y tế tại Anh và phối hợp một chiến lược ứng phó chung với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Theo truyền thông địa phương, Áo dự kiến cấm các chuyến bay đến, đi khỏi Anh và đang làm việc về kế hoạch cấm chi tiết. Bulgaria cũng cấm các chuyến bay đến, đi khỏi Anh từ nửa đêm, nhưng khác với các biện pháp ngắn hạn của các nước khác, Bulgaria sẽ cấm cho đến tận 31/1.

Hy Lạp đã áp dụng quy định cách ly 7 ngày đối với toàn bộ hành khách tới từ Anh như một biện pháp phòng ngừa đối với sự lây lan nhanh chóng biến thể của virus SARS-CoV-2.

Tại châu Á, Israel cũng thông báo sẽ ngừng tất cả các chuyến bay đến từ Anh, Đan Mạch và Nam Phi, các quốc gia phát hiện biến thể mới của virus. Lệnh cấm có hiệu lực ngay tức thời và sẽ được xem xét lại sau 7 ngày. Iran quyết định tạm ngừng các chuyến bay tới Anh trong vòng 2 tuần. Cơ quan Hàng không dân dụng Kuwait cũng bổ sung Anh vào danh sách các nước có nguy cơ cao, đồng nghĩa với việc toàn bộ các chuyến bay từ Anh đến nước này sẽ bị cấm.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của hãng tin ABC News khi được hỏi về việc liệu Mỹ có thể tạm dừng các chuyến bay từ Anh như một số nước châu Âu đang xem xét hay không, Đô đốc Brett Giroir - Trợ lý Bộ trưởng Y tế Mỹ cho rằng Mỹ chưa cần phải áp dụng biện pháp này.

Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 20/12 thông báo Thủ tướng Boris Johnson sẽ chủ trì một cuộc họp ứng phó khẩn cấp trong ngày 21/12 để thảo luận về việc đi lại quốc tế, đặc biệt liên quan đến vấn đề hàng hóa đến và đi từ Anh.

Vaccine có hoạt động hiệu quả với biến thể mới?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang liên lạc chặt chẽ với nhà chức trách Anh về biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trên mạng Twitter, WHO nêu rõ giới chức Anh sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu và phân tích hiện nay với tổ chức này. WHO sẽ cập nhật tới các nước thành viên và người dân về đặc tính và ảnh hưởng của biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng Anh Boris Johnson và các nhà khoa học đánh giá biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh có khả năng lây nhiễm nhanh hơn tới 70%, nhưng không dẫn đến tỉ lệ tử vong cao hơn và vaccine vẫn sẽ hoạt động hiệu quả với biến thể mới.

Còn theo Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Spahn, các nguyên cứu tới nay từ các chuyên gia châu Âu cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 không có ảnh hưởng gì tới các loại vaccine hiệu quả hiện có. Ông Spahn muốn ám chỉ tới loại vaccine của công ty BioNTech/Pfizer đã được nhiều nước phê chuẩn sự dụng, trong đó có Anh và Mỹ, và sắp được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn sử dụng ở châu lục này.

Tuyên bố của ông Spahn được đưa ra sau khi các chuyên gia y tế EU ngày 20/12 nhóm họp để thảo luận về loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/lo-ngai-bien-the-virus-sarscov2-nhieu-nuoc-tam-ngung-di-lai-voi-anh/417514.vgp