Lo ngại chất lượng các công trình kiên cố hóa trường học ở Nghệ An
Chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2017-2020 do BQL các dự án chuyên ngành GD-ĐT làm chủ đầu tư tại huyện Tương Dương (Nghệ An) có 22 công trình. Tuy nhiên, hầu hết các công trình này đều "có vấn đề" về chất lượng, một số ngôi trường bị nứt nẻ, bong tróc nền gạch, sụt lún. Địa phương và nhà trường thậm chí còn phát hiện đơn vị thi công dùng vật liệu không đạt chất lượng. Chưa kể tiến độ thi công đặt ra trong 6 tháng phải hoàn thành nhưng đến nay, nhiều trường khởi công hơn 2 năm vẫn chưa thể bàn giao cho địa phương.
Chưa bàn giao đã xuống cấp
Năm học này, tại nhiều địa phương ở H. Tương Dương, học sinh vẫn phải học tạm tại những điểm trường cũ đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc học "ké" trong những nhà văn hóa bản, mặc dù cạnh đó điểm trường mới đã xây dựng xong từ lâu. Nguyên nhân chủ yếu do điểm trường mới xây dựng không đạt chất lượng, phải khắc phục lại nhiều hạng mục.
Hơn 4 năm trước, người dân bản Tùng Hương, xã Tam Quang, H. Tương Dương phấn khởi khi nhận thông tin sẽ được thụ hưởng một điểm trường mầm non nằm trong Chương trình kiên cố hóa trường lớp do BQL các dự án chuyên ngành GD-ĐT làm chủ đầu tư. Điểm trường với một phòng học có kinh phí gần 800 triệu đồng được xây dựng trên bãi đất trống trung tâm bản. Công trình đã được xây dựng xong khoảng 1 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể bàn giao khiến 60 em nhỏ trong vùng phải đi học tạm. Nguyên nhân là nhiều hạng mục không đạt chất lượng và gây mất an toàn cho trẻ.
Có mặt tại điểm Trường Mầm non Tùng Hương, theo quan sát đầu tiên là điểm trường được xây dựng ngay dưới đường điện dân sinh dẫn vào bản. Đường dây điện cách mặt đất chừng 3m, đã có từ lâu; trong khi địa điểm xây dựng trường là một bãi đất trống rất rộng lớn. Tuy nhiên, khi xây dựng điểm trường, thay vì dịch chuyển để tránh, hoặc di dời đường dây điện, đơn vị thi công lại xây ngay dưới đường dây. Do đó, khi bức tường lên cao, đơn vị thi công đã để hở 2 lỗ trên 2 bức tường, để đường dây điện chạy cắt qua phòng học, ngay trên đầu các em nhỏ.
Rút kinh nghiệm từ điểm trường Huồi Tố, khi thi công tại điểm Trường TH Huồi Xá, nhà trường và địa phương đã chủ động giám sát chặt chẽ hơn. Theo bà Lô Thị Hương - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn, quá trình giám sát đã phát hiện đơn vị thi công dùng gạch không nung (gạch taplo) không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vụ việc được báo cáo lên H. Tương Dương, sau đó đơn thi công phải vứt bỏ số gạch này. Đến nay, hơn 12.000 viên gạch không đảm bảo chất lượng vẫn chất đống ngay cạnh công trình. Không chỉ dùng vật liệu không đạt chất lượng, các giáo viên còn phát hiện đơn vị thi công đã xây dựng tường không đúng kỹ thuật.
Cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ
Theo báo cáo kết quả kiểm tra lần một, công tác nghiệm thu các công trình kiên cố hóa trường học trên địa bàn huyện Tương Dương của Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An, nhiều hạng mục thi công không đúng với thiết kế. Một số vị trí hoàn thiện chưa đảm bảo kỹ thuật, an toàn và thẩm mỹ. Ngoài những tồn tại tương tự, tại 3 điểm Trường Mầm non Huồi Cọ, Na Lợt và Nả Hỉ của xã Nhôn Mai, đoàn kiểm tra nghiệm thu còn phát hiện trần nhà xuất hiện nhiều vị trí bị nấm mốc; tường nhà bị rạn nứt ngang; gạch ốp tam cấp bị vỡ... Hàng loạt công trình khác cũng được phát hiện nhiều tồn tại.
Ông Kha Văn Lập - Trưởng phòng GD-ĐT H. Tương Dương cho biết, địa phương cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh và các sở liên quan về tình trạng này. Theo ông Lập, do huyện không có hồ sơ về pháp lý, hồ sơ thiết kế công trình nên gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng. Quá trình triển khai dự án, giữa chủ đầu tư và địa phương đã không có sự phối hợp. Trao đổi về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Đình Hùng - Phó trưởng phòng Quản lý dự án 2, BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Nghệ An thừa nhận một số công trình nằm trong chương trình kiên cố hóa trường lớp đến nay vẫn chưa thể bàn giao được do tiến độ chậm và chất lượng chưa đạt yêu cầu.
Chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn 2017-2020 ở Nghệ An có 86 công trình được xây mới với kinh phí gần 270 tỷ đồng, phần lớn từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, giúp thay đổi diện mạo trường, lớp học trên địa bàn tỉnh. Vấn đề đặt ra hiện nay là trong quá trình thi công, các ngành chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đơn vị thụ hưởng để kiểm tra, đánh giá hồ sơ thiết kế, đánh giá chất lượng thi công thực tế.