Lo ngại Covid-19 tái bùng phát: Bộ Y tế đề cao các biện pháp phòng chống
Trong bối cảnh các quốc gia ghi nhận hàng loạt ca mắc Covid-19 mới, Việt Nam được cho là không nằm ngoài nguy cơ.
Người dân được khuyến cáo không lơ là, mất cảnh giác. Những người thuộc nhóm được tiêm chủng cần sớm tiến hành thực hiện.
“Ưu tiên” 5K
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 “tăng vọt”.
Theo lãnh đạo ngành y tế, bức tranh về tình hình lây nhiễm hiện nay tại các quốc gia và khu vực trên thế giới cho thấy, tất cả đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn, mạnh và tàn khốc hơn.
“Đối với Việt Nam, chúng tôi xác định phải hết sức cảnh giác, tập trung triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch, tích cực chủ động để kiểm soát tốt tình hình dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế thường xuyên đưa ra cảnh báo về nguy cơ đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam. Đây được coi là nguy cơ hiện hữu, đặc biệt là khi nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài vào Việt Nam, trong khi một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch.
“Một trong những bài học thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở nước ta là sự tham gia chủ động, tích cực của người dân. Nhưng 1 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận mắc Covid-19 tại cộng đồng nên thời gian qua đã có yếu tố lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Trong đó, nhiều người ra đường không đeo khẩu trang, không thực hiện hiện biện pháp 5K của Bộ Y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định.
Do đó, lãnh đạo ngành y tế nhấn mạnh, trước hết, người dân cần thực hiện triệt để khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Trong đó, hai yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay.
Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai công việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo, tất cả những ai thuộc nhóm được tiêm chủng cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ. Nhờ đó, giúp góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
“Người dân cũng như các cấp, ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đối với từng cơ quan, đơn vị, nhà máy phải triển khai rất tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết.
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, hiện tại, Việt Nam đang có những điều kiện rất tốt để kiểm soát dịch, như sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, tất cả người dân.
Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo, chúng ta vẫn không thể lường trước tất cả các nguy cơ. Đồng thời, không thể khẳng định, nước ta sẽ không có ca mắc mới.
“Chỉ có tiêm phòng vắc-xin và phải đạt trên 70% dân số được tiêm, chúng ta mới tạo được miễn dịch cộng đồng. Không có vắc-xin, rất khó để kiểm soát dịch trong bối cảnh hiện nay”, PGS Cơ nhấn mạnh.
“Giải mã” nguyên nhân Ấn Độ bùng phát dịch
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ), dựa vào thực tế hiện nay, một số phân tích khoa học cũng thấy, vắc-xin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát dịch Covid-19. Do vậy, ở những quốc gia có ít người được tiêm vắc-xin, nguy cơ bùng phát dịch được cho là sẽ rất cao.
TS Vũ nhận định, sự gia tăng số ca mắc ở Ấn Độ được cho là từ hai nguyên nhân: Lơ là trong phòng dịch và sự xuất hiện của chủng mới. Theo đó, biến thể B.1.617 được phát hiện từ tháng 12 năm ngoái có một số điểm đặc biệt đáng lo ngại. Biến thể này có sự thay đổi các amino axit L452R, E484Q. Đây là những tác nhân làm tăng khả năng lây nhiễm cũng như khiến vắc-xin giảm hiệu quả.
“Số liệu giải trình tự các chủng của Ấn Độ vẫn còn rất ít so với các chủng khác trên thế giới. Do đó, cần nhiều thời gian để các nhà khoa học có thể phân tích đánh giá, chính xác hơn. Tuy nhiên, đây cũng rất có thể là một yếu tố đã khiến đại dịch đẩy lên cao trong thời gian ngắn, khi các quy tắc cẩn trọng trong việc quản lý lây nhiễm bị xem nhẹ”, TS Vũ cho biết.
Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) khuyến cáo, người dân cần chú trọng chống dịch ngay cả khi đi du lịch. Trong đó, cần lưu ý luôn đeo khẩu trang đúng cách và giữ khoảng cách an toàn.
Chuyên gia này cũng cảnh báo, nguy cơ dịch bệnh bùng phát luôn hiện hữu. Người dân cần đồng lòng trong phòng, chống dịch. Đặc biệt, Việt Nam sẽ hết nguy cơ nếu đạt độ phủ vắc-xin, cũng như khi các quốc gia khác kiểm soát tốt dịch bệnh.