Lo ngại của Đà Nẵng

Đà Nẵng được đánh giá 'bùng nổ' về lượng khách hè này với loạt sự kiện. Tuy nhiên, địa phương đối mặt khả năng 'bão hòa' du lịch khi thiếu hụt sản phẩm mới.

Ngành du lịch Đà Nẵng đang chứng kiến sự nhộn nhịp từ cả thị trường khách trong nước và quốc tế. Trong đó, đà tăng trưởng lượng khách bắt đầu từ kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.

Thời điểm này, thành phố đón khoảng 610.000 lượt khách trong 5 ngày nghỉ lễ (30/4-4/5), tăng hơn 50% so cùng kỳ năm 2024. Bên cạnh đó, doanh thu từ du lịch đạt 2.426 tỷ đồng, gấp khoảng 1,8 lần so với tỉnh Khánh Hòa (cũ) dù tổng lượng khách thua đến 390.000 lượt (1,6 lần).

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, tiến sĩ Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, bày tỏ sự vui mừng trước thành tích trên. Ông cho biết mức tăng trưởng vượt mục tiêu ban đầu của ngành. Đơn vị đặt niềm tin một mùa du lịch hè bội thu phía trước.

Mùa hè "bội thu"

Sự kỳ vọng của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng dần được chứng minh thông qua lượng khách đến địa phương vào dịp lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF (31/5-30/6).

Cuộc thi tổ chức dịp đầu hè "hâm nóng" ngành du lịch trên địa bàn với khoảng 1,17 triệu lượt khách ghé thăm, tăng gần 10,3% so với cùng kỳ năm 2024. Chỉ trong 5 đêm pháo hoa đầu tiên, lượng khách bằng cả mùa DIFF năm ngoái với gần 400.000 lượt khách, số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của hãng hàng không Emirates tại sân bay quốc tế Đà Nẵng từ ngày 2/6 mới thật sự là "cuộc cách mạng" du lịch tại địa phương.

Với 4 chuyến bay mỗi tuần, điểm dừng tại Bangkok (Thái Lan), hãng bay lớn nhất thế giới mở ra cánh cửa mới kết nối điểm đến miền Trung với 140 nơi trên toàn thế giới dựa vào mạng lưới đường bay rộng khắp của đơn vị.

 Chùa Cầu, Hội An (Đà Nẵng) nhìn từ trên cao, ảnh được chụp ngày 3/8. Ảnh: Phạm Toàn.

Chùa Cầu, Hội An (Đà Nẵng) nhìn từ trên cao, ảnh được chụp ngày 3/8. Ảnh: Phạm Toàn.

Ngoài ra, tuyến đường mới còn là cửa ngõ giúp địa phương đón khách du lịch châu Âu, kết nối từ Dubai đến các thành phố trọng điểm như London (Anh), Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức). Những quốc gia này sở hữu nhóm nhân khẩu có thu nhập cao, sẵn sàng chi tiêu cho du lịch.

"Đà Nẵng là nhân tố nổi bật trong bối cảnh du lịch Đông Nam Á", Travel and Tour World (TTW), nền tảng thông tin, kết nối du lịch thế giới có trụ sở tại New York (Mỹ), nhận định.

Chưa dừng lại ở đó, nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 khiến du lịch tại Đà Nẵng như "hổ mọc thêm cánh".

Khi Đà Nẵng sáp nhập vào Quảng Nam sau 28 năm chia cách, Đà Nẵng mới sẽ quy tụ nhiều di sản, sản phẩm du lịch nổi tiếng như di sản thế giới Hội An, Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm… cũng như hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng từ MICE, thể thao và hạng sang.

Dựa vào phân tích của công ty phân tích dữ liệu, giải pháp ngành du lịch, F&B The Outbox Company, sau sáp nhập, lượng khách quốc tế lưu trú tại Đà Nẵng có thể lên đến 6,1 triệu lượt mỗi năm. Con số này vượt mức 6 triệu lượt khách quốc tế năm 2024 của TP.HCM.

Du lịch Đà Nẵng đang "bão hòa"?

Tiềm năng trở thành điểm đến hàng đầu Việt Nam của Đà Nẵng là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, địa phương phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các địa phương khác, nơi đang chuyển mình "âm thầm", đó là chưa kể đến quy mô sau sáp nhập. Lấy ví dụ từ Hải Phòng.

Xét về dịp lễ gần nhất là 30/4-1/5, Hải Phòng (cũ) đón 780.000 lượt khách, cao hơn 610.000 lượt khách của Đà Nẵng (cũ).

Việc Hải Phòng vượt qua Đà Nẵng trong bảng xếp hạng lượng khách nội địa dịp lễ 30/4 và dịp 2/9/2024 là một hiện tượng đáng lưu ý.

Từ góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu và tư vấn trong lĩnh vực phát triển du lịch bền vững, tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế du lịch TP.HCM (ITERD), cho rằng Đà Nẵng bị tụt hạng không phải là hiện tượng ngẫu nhiên.

Đây là dấu hiệu "rõ ràng" cho thấy mô hình phát triển du lịch hiện tại của thành phố đang tiệm cận trạng thái bão hòa. Có 2 lý do chính dẫn đến điều này.

Một, các sản phẩm chủ lực như du lịch biển, nghỉ dưỡng và các điểm tham quan giải trí ở Đà Nẵng đã được đầu tư và khai thác mạnh trong suốt hơn 10 năm qua. Song, tốc độ làm mới/nâng cấp sản phẩm không theo kịp kỳ vọng ngày càng cao của du khách hiện đại.

Hai, việc thiếu các "sản phẩm du lịch mũi nhọn" mới mang tính biểu tượng hoặc có khả năng định vị thương hiệu điểm đến cũng khiến Đà Nẵng rơi vào thế bị động so với các địa phương khác như Ninh Bình (với mô hình du lịch di sản - sinh thái) hay Khánh Hòa (với các trải nghiệm biển đảo kết hợp du lịch sức khỏe và thể thao).

"Đà Nẵng sẽ rất khó duy trì vai trò trung tâm du lịch miền Trung nếu chỉ dựa vào các lợi thế sẵn có mà không có sự sáng tạo, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt", ông Minh nói.

 Quần đảo Cát Bà với một loạt các hòn đảo lớn nhỏ với nhiều bãi tắm đẹp, nguồn hải sản dồi dào là điểm du lịch nổi bật tại Hải Phòng. Ảnh: @queymon.

Quần đảo Cát Bà với một loạt các hòn đảo lớn nhỏ với nhiều bãi tắm đẹp, nguồn hải sản dồi dào là điểm du lịch nổi bật tại Hải Phòng. Ảnh: @queymon.

Phó viện trưởng ITERD cho rằng các nội dung quảng bá về Đà Nẵng trên các nền tảng lớn như TikTok, Facebook, Instagram vẫn xoay quanh những hình ảnh quen thuộc, thiếu tính đột phá hoặc tương tác cao với cộng đồng người dùng trẻ tuổi.

Thêm vào đó, công tác liên kết truyền thông giữa chính quyền và khối tư nhân tại Đà Nẵng vẫn còn rời rạc.

Trong khi Hải Phòng đã thành lập các tổ công tác chuyên trách về truyền thông du lịch có tính chuyên môn và nhạy bén với thị hiếu thị trường, Đà Nẵng chưa có nhiều mô hình hợp tác công - tư hiệu quả trong lĩnh vực này.

Điều này dẫn đến việc các sự kiện du lịch tại Đà Nẵng thiếu đồng bộ, không tạo được điểm nhấn hoặc bị truyền thông hóa theo hướng "chạy sự kiện" hơn là kể một câu chuyện điểm đến có chiều sâu.

Về phía doanh nghiệp lữ hành, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám Đốc Vietravel, cũng cho rằng Đà Nẵng đã quá quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế. Các sản phẩm du lịch chính tại thành phố như du lịch biển, vui chơi giải trí và tham quan Bà Nà Hills cũng không còn xa lạ.

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh mới lại không ngừng sáng tạo, khai thác những điểm đến mới mẻ và đầu tư mạnh vào yếu tố trải nghiệm.

Bà Hoàng nhận định Đà Nẵng là "điểm đến nổi bật", song chưa phải là "điểm đến giàu trải nghiệm".

"Đơn vị ghi nhận ngày càng nhiều khách hàng tìm đến những hành trình mang tính ‘khám phá sâu’, tức là không chỉ dừng ở việc tham quan mà còn mong muốn trải nghiệm văn hóa địa phương, ẩm thực bản địa. Đây là xu hướng mà nếu Đà Nẵng không kịp thời nắm bắt và thích ứng, sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh”, bà nói.

Nếu so với Đà Nẵng, thành phố cảng Hải Phòng vốn ít được đánh giá cao về năng lực thu hút du lịch đại chúng.

Chia sẻ thêm về sự vượt trội về lượng khách của Hải Phòng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho rằng danh sách 10 tỉnh, thành có lượng khách nhiều nhất dịp lễ chưa thật sự chuẩn xác bởi mỗi nơi có cách tính lượng khách riêng. Do đó, con số chưa phản ánh thực tế tình hình du lịch tại địa phương.

"Cần có một một tiêu chí thống kê lượng khách đồng bộ để đảm bảo độ công bằng và rạch ròi khi so sánh giữa các điểm đến trên cả nước", ông Dũng cho hay.

Tường Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/lo-ngai-cua-da-nang-post1552140.html