Lo ngại cuộc chiến giá dầu
Chiều 5/7, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 15 xu Mỹ (khoảng 0,2%) lên 76,32 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 12 xu Mỹ (0,5%) lên 75,28 USD/thùng, sau khi tăng 1,5% trong tuần trước đó, tuần tăng giá thứ sáu liên tiếp của loại dầu này.
Giá năng lượng đang dao động trên mức 75 USD sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) không thể đạt được thỏa thuận quan trọng về chính sách sản lượng dầu vào tuần trước, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Theo Reuters, OPEC đã chấp thuận tăng nguồn cung thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8-12 để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ gia tăng.
Saudi Arabia (quốc gia dẫn dắt OPEC) và Nga (quốc gia dẫn dắt các đồng minh không phải thành viên OPEC) cùng đề xuất kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, UAE phản đối các kế hoạch này với lý do OPEC+ nên thay đổi đường cơ sở để tính toán cắt giảm sản lượng, nâng hạn ngạch sản xuất một cách hiệu quả.
Giá dầu đã tăng hơn 45% trong sáu tháng đầu năm 2021 khi các nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại, khiến nhu cầu tăng mạnh.
Năm ngoái, để đối phó với nhu cầu thấp hơn do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra và người dân ít đi lại hơn, OPEC + đã đồng ý hạn chế sản lượng dầu xuống gần 10 triệu thùng/ngày từ tháng 5/2020 đến cuối tháng 4/2022.
Theo Reuters, các nhà sản xuất hàng đầu Saudi Arabia và Nga đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ, theo đó, về nguyên tắc sẽ tăng nguồn cung thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8-12 để đáp ứng nhu cầu tăng cao.
OPEC+ sẽ họp vào hôm nay (5/7), sau khi không đạt được thỏa thuận vào tuần trước.
Nếu vẫn không có thỏa thuận, giá dầu có thể tăng cao và làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế tại một số quốc gia - vốn đang bắt đầu mở cửa trở lại sau khi tiêm vaccine Covid-19.
Mặt khác, một cuộc chiến về giá dầu cũng có thể xảy ra, nếu các cuộc đàm phán diễn ra không suôn sẻ.
Theo Helima Croft, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets: “Nếu các cuộc đàm phán kết thúc trong bất hòa, thị trường sẽ có nguy cơ đảo ngược của đợt tăng giá dầu trong năm nay. Chúng tôi không nghĩ điều này có thể xảy ra, nhưng cũng không thể bác bỏ hoàn toàn".
Đồng quan điểm, Alejandro Barbajosa, Phó chủ tịch phụ trách dầu thô Trung Đông và châu Á Thái Bình Dương của Argus Media cũng cho rằng, trong thời gian rất gần, thiếu thỏa thuận rõ ràng sẽ có nghĩa là tất cả hoạt động sản xuất đều lỏng lẻo và có thể xảy ra một cuộc chiến giá cả.
Chuyên gia phân tích thị trường dầu tại Rystad Energy nhấn mạnh, nếu có sự rạn nứt về quan điểm của các bên, thị trường dầu có thể rơi vào một đợt giảm giá tương tự như khi chứng kiến Nga rời OPEC+ tại cuộc họp hồi tháng 3/2020 và sau đó là cuộc chiến giá dầu.
Tuy nhiên, nhóm các nhà phân tích tại Eurasia Group tin rằng, các nước sản xuất dầu vẫn có thể tiến tới thỏa thuận.
Các nhà phân tích này nhấn mạnh: "Có lẽ, UAE sẽ thương lượng, nhưng không đủ can đảm để mạo hiểm tất cả. Trong trường hợp xấu nhất, vẫn tiếp tục bất đồng quan điểm, điều đó sẽ khiến thị trường chấn động”.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lo-ngai-cuoc-chien-gia-dau-150408.html