Lo ngại làn sóng lây nhiễm mới
Theo TTXVN và tin nước ngoài, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu cảnh báo về tình hình gia tăng đáng lo ngại số ca mắc mới và tỷ lệ lây nhiễm Covid-19, nhất là tại Ðông Âu. WHO nhấn mạnh, thế giới chưa hoàn toàn thoát khỏi đại dịch, các quốc gia vẫn đối mặt nguy cơ cao.
Theo TTXVN và tin nước ngoài, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu cảnh báo về tình hình gia tăng đáng lo ngại số ca mắc mới và tỷ lệ lây nhiễm Covid-19, nhất là tại Ðông Âu. WHO nhấn mạnh, thế giới chưa hoàn toàn thoát khỏi đại dịch, các quốc gia vẫn đối mặt nguy cơ cao.
* Một số địa phương tại châu Âu phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa sau khi dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại. Quận Gutersloh, thuộc bang Nordrhein-Westfalen của Ðức, phát hiện ổ dịch mới và phải đóng cửa các trường học để bảo đảm an toàn. Làng Echinos, phía bắc Hy Lạp bị cách ly nghiêm ngặt sau khi có thêm 73 người nhiễm mới.
* Là quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố hết dịch, song Slovenia tiếp tục lo ngại khi có thêm tám người bệnh, số người mắc một ngày cao nhất trong bảy tuần qua. Croatia cũng nâng mức cảnh báo khi số người mắc tăng đột biến. Bulgaria ghi nhận số người nhiễm tăng kỷ lục trong ngày, với 112 người.
* Trong khi đó, cuộc sống của người dân Hungary gần như trở lại bình thường, khi chính quyền cho phép tổ chức các sự kiện tập trung tới 500 người. Ðeo khẩu trang vẫn được quy định bắt buộc trong không gian kín.
* Nga tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 cho 18 tình nguyện viên đầu tiên ở thủ đô Moscow. Thử nghiệm lâm sàng dự kiến hoàn tất trong tháng 7 tới, được kỳ vọng tạo đột phá trong phòng, chống dịch.
* Ấn Ðộ là điểm nóng dịch bệnh tại châu Á, với số người nhiễm trong ngày vượt mức 13.500 người. Indonesia là nước duy nhất tại khu vực Ðông-Nam Á vẫn xác nhận số người nhiễm trong ngày ở mức hơn 1.000 người.
* Azerbaijan tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt từ ngày 21-6 tại thủ đô Baku, do số người nhiễm Covid-19 tăng trong nhiều tuần sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Người dân hiện chỉ được rời khỏi nhà khi có xác nhận từ nhà chức trách.
* Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 32 người nhiễm, trong đó 25 người tại Bắc Kinh. Chính quyền thủ đô tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch, theo đó, tất cả xe buýt liên tỉnh từ Bắc Kinh ngừng hoạt động từ ngày 19-6.
* Nhật Bản dỡ bỏ tất cả biện pháp hạn chế đi lại trong nước, nhằm khôi phục nền kinh tế. Chính phủ Nhật Bản đã cho phép tổ chức các sự kiện tập trung tới 1.000 người.
* Tại Trung Ðông, Iran công bố số liệu cho thấy số người bệnh chết do Covid-19 gần mốc 10.000 người. Số người nhiễm ở Qatar có chiều hướng tăng trở lại với hơn 1.200 người nhiễm mới trong ngày.
* Bộ Y tế bang Victoria của Australia xác nhận trường hợp người tham gia biểu tình thứ 3 nhiễm Covid-19. Chưa xác định nguồn lây nhiễm, song điều này gia tăng lo ngại khi bang lên kế hoạch nới lỏng quy định giãn cách từ tuần tới.
* Mỹ và Brazil vẫn là hai nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch. Tổng số người nhiễm tại Mỹ là hơn 2,2 triệu người, con số tại Brazil gần ngưỡng một triệu người nhiễm. Trong 24 giờ, Brazil xác nhận số người chết do Covid-19 trong ngày cao nhất thế giới, với 1.204 người.
* Canada vượt mốc 100.000 người nhiễm, nằm trong nhóm 20 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19. Trong khi 10 tỉnh của Canada dần mở cửa trở lại, hai thành phố lớn là Montreal và Toronto vẫn áp đặt nhiều biện pháp hạn chế.
* Mexico thông báo xác nhận số người nhiễm trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, với hơn 5.600 trường hợp. Song, Chính phủ Mexico không triển khai bổ sung các biện pháp hạn chế, chỉ khuyến cáo người dân tuân thủ các quy định phòng dịch.
* Bất chấp những biện pháp mạnh của các chính phủ, số người mắc ở Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador vẫn tăng mạnh, với tổng số người bệnh tại khu vực Trung Mỹ lên hơn 50.000 người.
* Tại hầu hết các khu vực ở Cuba, các nhà hàng mở cửa trở lại, trong khi nhiều gia đình đi nghỉ tại các bãi biển, sau khi chính phủ thông báo dịch bệnh được kiểm soát và bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế.
* Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) J.Gurria cho rằng, đại dịch làm trầm trọng thêm các vấn đề của Mỹ latinh, như bất bình đẳng, kinh tế yếu kém và bất ổn chính trị. Ông Gurria cảnh báo, khu vực này có thể có thêm 20 triệu người rơi vào tình trạng "nghèo cùng cực".
* Trong 24 giờ, gần 3.500 người nhiễm mới được phát hiện tại Nam Phi, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên khoảng 84.000 người. Bộ Y tế Nam Phi cảnh báo, nước này đang đến gần làn sóng dịch thứ hai.