Lo ngại nguồn cung từ Iran tăng mạnh, giá dầu lao dốc gần 5%
Giá dầu giảm hơn 3 USD/thùng khi sự gia tăng nguồn cung từ OPEC+, và sản lượng dầu của Iran cao hơn đã lấn át những tín hiệu về đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Mỹ.
Giá “vàng đen” giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 5/4 do chịu ảnh hưởng từ quyết định nới lỏng sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, cùng với nguồn cung từ Iran tăng cao.
Theo thỏa thuận đạt được tại cuộc họp hôm 1/4, OPEC+ sẽ tăng sản lượng khai thác hàng tháng trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7/2021. Theo quyết định nới lỏng sản lượng, OPEC+ sẽ chỉ cắt giảm hơn 6,5 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 5, so với mức cắt giảm 7 triệu thùng/ngày trước đó. Ả Rập Saudi tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, thành viên thuộc OPEC là Iran, vốn được miễn thực hiện cắt giảm tự nguyện, cũng đang thúc đẩy nguồn cung.
Bob Yawger - Giám đốc hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho Securities, nhận xét: “Thời điểm không tốt. Dường như OPEC+ sẽ thực hiện thỏa thuận, nhưng họ đã không thực hiện và họ có thể sẽ phải trả giá ít nhất trong ngắn hạn”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/4, giá dầu Brent sụt 3,08 USD (tương đương 4,8%) xuống 61,78 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm 3,21 USD, khoảng 5,2%, về còn 58,24 USD/thùng.
Trong một diễn biến khác có thể khiến nguồn cung gia tăng, giới đầu tư đang tập trung vào cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ như một phần của các cuộc đàm phán nhằm khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015.
Chuyên gia phân tích Henry Rome của Eurasia kỳ vọng rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ, bao gồm việc hạn chế xuất khẩu dầu mỏ của Tehran, sẽ chỉ được dỡ bỏ sau khi kết thúc các cuộc đàm phán này và Iran trở lại tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân đa phương.
Iran đã tăng cường xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Giá dầu đã phục hồi mạnh từ các mức thấp kỷ lục hồi năm ngoái nhờ việc cắt giảm nguồn cung từ OPEC+, và phần lớn thỏa thuận cắt giảm vẫn được duy trì sau tháng 7/2021. Nhu cầu được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm.
Mỹ chứng kiến tăng trưởng việc làm kỷ lục trong tháng 3 với hơn 900.000 việc làm, và là một trong những quốc gia triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho người dân nhanh nhất thế giới.
Tuy nhiên, các lệnh phong tỏa thắt chặt ở Pháp và sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến ở Ấn Độ đã làm mờ đi triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu để thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ.