Lo ngại 'quái xế' tuổi teen
Việc giáo dục, truyền thông cần được thực hiện thường xuyên và phù hợp với lứa tuổi, thành phần để tác động đến ý thức của cá nhân trong việc tuân thủ quy định pháp luật, quy tắc ứng xử cộng đồng…
Mới đây, Đội CSGT- Trật tự Công an TP Thủ Đức, TP HCM (Đội CSGT Thủ Đức) đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Nguyễn Trọng N. (15 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) để xử phạt về các hành vi: điều khiển xe máy chạy bằng một bánh; người từ 14- 16 tuổi điều khiển xe mô tô và 4 lỗi khác.
Lợi dụng khoảng trống trong quản lý để đua
Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 21-11, từ thông tin do phóng viên Báo Người Lao Động cung cấp, Đội CSGT Thủ Đức có mặt tại đường D15, phường Tăng Nhơn Phú B (TP Thủ Đức) đã phát hiện N. điều khiển xe mô tô chở theo Đặng Hoàng Gia B. (15 tuổi, bạn của N.), không đội mũ bảo hiểm, chạy xe bằng 1 bánh.
Cả hai được đưa về trụ sở Công an phường. Khoảng thời gian này, một số "quái xế" khác cũng có hành vi lạng lách, bốc đầu xe, như: Phạm Tường L. (13 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), N.P.T.A (8 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh)... Làm việc với lực lượng chức năng, cha của A. thừa nhận hành vi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông. Đội CSGT Thủ Đức đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ xe máy do cha của A. đứng tên.
Trong nhiều ngày, phóng viên Báo Người Lao Động đã ghi nhận tại đoạn đường nối giữa đường D15 và đường D2, Khu Công nghệ cao (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức), dù được lực lượng chức năng rào chắn, cảnh báo khu vực nguy hiểm, hố sâu và không phận sự miễn vào nhưng nhiều "quái xế", trong đó không ít trẻ chưa thành niên, vẫn chọn khu vực này làm đường đua.
Có những "tay đua" không đội mũ bảo hiểm, đánh võng, liên tục chạy xe tốc độ cao, bốc đầu từ 3 -7 giây rồi nhanh chóng rời đi… Đáng nói là rất nhiều người dân đến xem, thậm chí cổ vũ.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND phường Tăng Nhơn Phú B (TP Thủ Đức) cho biết tại vị trí trên là khu vực chưa được kết nối giao thông, do Khu Công nghệ cao TP HCM quản lý. Vừa qua, Công an phường đã phối hợp tổ bảo vệ Khu Công nghệ cao ra quân tuần tra; đồng thời cho rào chắn lại.
Lãnh đạo Khu Công nghệ cao TP HCM cho biết đơn vị chỉ quản lý đến hết đường D15, khoảng đất rộng thường được "biểu diễn" mô tô là đoạn đường được đóng lại để chờ kết nối với đường Vành đai 2, do Sở Giao thông Vận tải TP HCM quản lý. Vị này cho biết việc biểu diễn mô tô đã xảy ra trong một thời gian dài và đơn vị đã nhiều lần phối hợp với lực lượng CSGT xử phạt. Tuy nhiên do địa bàn rộng và vắng nên khó xử lý.
Đủ cơ sở xử lý
Theo luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 định nghĩa đường bộ là đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ. Thực tế, nhiều con đường dù chưa bàn giao cho nhà nước quản lý nhưng đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng, được bố trí biển báo, đèn tín hiệu giao thông và lượng người tham gia giao thông trên các tuyến đường này là không nhỏ.
Căn cứ quy định khoản 1 điều 2 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021) thì các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc đối tượng áp dụng của quy định này.
"Do đó, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bất kể trong khu vực nội bộ được nhà nước giao chủ đầu tư quản lý, hoặc chủ đầu tư chưa bàn giao cho nhà nước cũng đều phải áp dụng các quy định đã ban hành để xử lý" - luật sư Thanh Thảo nói.
Về hành vi bốc đầu xe máy, luật sư Thanh Thảo cho biết đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Bộ Luật Hình sự.
Phân tích dưới góc độ xã hội, chuyên gia tâm lý Bùi Quang Minh Nhật, giảng viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, nói tuổi thanh thiếu niên dễ bốc đồng, muốn khẳng định bản thân nên rất dễ bị lôi kéo thực hiện hành vi sai trái. Vì vậy, cần trang bị cho các em kiến thức về giao thông đường bộ, tích cực hướng dẫn, chia sẻ, cảnh báo thông qua những phương tiện khác nhau, như các buổi học, các buổi sinh hoạt chuyên đề, truyền thông…
"Xã hội lên án về các hành vi trên là điều cần thiết nhưng chưa đủ. Cần định hướng, hướng dẫn để các bạn trẻ nhận thức được hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật. Thông tin hiện nay không thiếu, có thể tiếp cận ở nhiều phương tiện khác nhau nhưng để đi từ "biết" đến "hiểu" và cuối cùng là thực hiện lại là một chuyện khác. Do đó, việc giáo dục, truyền thông cần được thực hiện thường xuyên và phù hợp với lứa tuổi, thành phần mới phần nào tác động đến ý thức của cá nhân trong việc tuân thủ quy định pháp luật, quy tắc ứng xử cộng đồng…" - chuyên gia Bùi Quang Minh Nhật nói.
Hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển tham gia giao thông, ngoài bị xử phạt hành chính, nếu để xảy ra tai nạn giao thông chết người thì người cho mượn phương tiện bị xử lý hình sự tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/lo-ngai-quai-xe-tuoi-teen-20231124213304142.htm