Lo ngại sợi nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc bán phá giá
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp sản xuất sợi của Trung Quốc và Ấn Độ đang bán phá giá mặt hàng sợi polyester fliament rất khốc liệt, dẫn đến số lượng nhập khẩu mặt hàng này vào Việt Nam tăng vọt, chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Điển hình ngày 15/1, Công ty S.RAJA EXPORT PVT.LTD KADI-NANDASAN ROAD KADI-382715, GUJARAT INDIA đã xuất khẩu vào Việt Nam 16,45 tấn sợi 100% Polyester 75D/34F với giá 0,8 USD/kg, tương đương 16.400 đồng/kg tính theo thời điểm xuất khẩu. Như vậy, giá của đơn hàng này chỉ bằng 51,6% chi phí sản xuất sợi polyester fliament 75D/34F của một số doanh nghiệp trong nước (tương đương 31.694 đồng/kg).
Ngày 25/2, Công ty SUZHOU SHENGHONG FIBER CO.,LTD (Trung Quốc) đã xuất khẩu sang Việt Nam 46 tấn sợi 100% polyester fliament 75D/34F với giá 1,25 USD/kg, tương đương khoảng 29.125 đồng/kg. Giá bán của đơn hàng này ước tính chi phí chỉ bằng 79,6% chi phí sản xuất sợi polyester fliament 75D/34F của doanh nghiệp trong nước.
Theo kết quả điều tra của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp sản xuất sợi của Trung Quốc và Ấn Độ, các doanh nghiệp này đang được hưởng các khoản trợ cấp từ chính phủ Trung Quốc và Ấn Độ. Các khoản trợ cấp này không phù hợp với Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), như các khoản vay hỗ trợ xuất khẩu từ các ngân hàng quốc doanh, các khoản tín dụng xuất khẩu do ngân hàng xuất khẩu cấp cho nhà xuất khẩu, bảo lãnh xuất khẩu của ngân hàng, các khoản trợ giá của chính quyền trung ương và địa phương cho các thương hiệu nổi tiếng.
Ngày 26/4 và ngày 3/5 theo thông báo của DOC về việc một số công ty sản xuất sợi polyester fliament của Ấn Độ và Trung Quốc đã nhận trợ cấp không phù hợp với SCM, cụ thể: Công ty Fujian Billion Polymerization FDiber Techology Industrian Co.,Ltd (Trung Quốc) đã nhận trợ cấp là 32,04%; Công ty JBF Industries nhận trợ cấp 7,09%.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp sản xuất sơ sợi Việt Nam, nghi vấn hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng sợi polyester filament còn khai giá thấp, khai sai số lượng nhằm gian lận, trốn thuế nhập khẩu…
Vì vậy, để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ cho các nhà sản xuất sợi chân chính trong nước, các cơ quan chức năng cần đưa ra một số giải pháp cụ thể để kiểm soát gian lận thương mại trong hoạt động nhập khẩu mặt hàng này.
Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất sợi trong nước cũng cung cấp thêm: Trong 4 tháng đầu năm 2019 có 23,4% khối lượng sợi có giá bình quân thấp hơn 1 USD/kg và 21% khối lượng sợi có giá bình quân từ 0,6 USD/kg đến 0,8 USD/kg. Trong khi giá nguyên liệu cũng ở mức 0,85 USD/kg.
Mặt khác một số nhà nhập khẩu lợi dụng mã HS Code để tránh nộp thuế nhập khẩu. Ví dụ như mặt hàng Drawn Texturized Yarn (DTY) có mà số HS Code là 5402330, nhà nhập khẩu có thể khai báo trong khi nhập khẩu thành các mặt hàng không chịu thuế suất thuế nhập khẩu 3% như: 54022000 (HS Code của sợi cường lực cao); 54026200 (mã HS Code của các loại sợi từ polyester khác)... để trốn hoặc giảm thuế nhập khẩu. Sau khi nhập khẩu vào trong nước, các doanh nghiệp này bán ra không xuất hóa đơn gia trị gia tăng nhằm trốn thuế VAT.
Hiện tượng trên làm cho các doanh nghiệp sản xuất sợi trong nước gặp nhiều khó khăn, khiến ngành dệt may Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng do lệ thuộc vào nguồn sợi nhập từ các nước trên. Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ có nguy cơ bị Hoa Kỳ áp thuế bổ sung nếu xác định được nguồn nhập khẩu nguyên liệu từ 2 nước trên, hoặc xuất sang các quốc gia của nhóm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ không đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ để hưởng thuế suất ưu đãi. Cuối cùng, Việt Nam không thể tận dụng được các lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại và không thể phát triển được chuỗi cung ứng dệt may toàn diện.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp sản xuất sợi đã có kiến nghị và Văn phòng Chính phủ đã chuyển các kiến nghị trên đến các Bộ: Công Thương, Tài Chính, Công an; Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại (Ban 389) và hàng giả để nghiên cứu, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo đó, Bộ Công Thương cần phối hợp với các bộ ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ tiến hành điều tra hành vi bán phá giá và trợ giá đối với mặt hàng sợi polyester fliament của Trung Quốc và Ấn Độ; đồng thời tham mưu cho Chính phủ có chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với việc nhập khẩu mặt hàng nêu trên phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Cùng với đó, các lực lượng chức năng có giải pháp tổng thể để ngăn chặn việc nhập lậu các mặt hàng sợi polyester fliament từ Trung Quốc và Ấn Độ; thực hiện rà soát, kiểm tra chặt chẽ phát hiện, điều tra, xác minh đối với các doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu gian lận, trốn thuế trong hoạt động nhập khẩu mặt hàng trên từ Trung Quốc và Ấn Độ trong thời gian từ ngày 1/1/2019 đến nay; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu, trốn thuế trong quá trình nhập khẩu mặt hàng trên đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng trên đúng pháp luật, tạo sự cạnh tranh lành mạnh.
Theo thống kê số liệu nhập khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng sợi polyester fliament trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm nay tăng 35%, trong đó mặt hàng sợi polyester fliament nhập từ Trung Quốc tăng 52%; Ấn Độ tăng 47,9%.