Lo ngại tiêu cực trong việc cấp giấy hoàn thành chương trình phổ thông
Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp giấy hoàn thành chương trình phổ thông phải chặt chẽ để tránh tiêu cực.
Luật Giáo dục năm 2019 do Quốc hội vừa thông qua có nhiều điểm mới so với luật trước đây. Trong đó, việc luật quy định các trường được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho những học sinh đủ điều kiện nhưng không thi tốt nghiệp hoặc thi không đỗ đang là thông tin được dư luận quan tâm.
Nhiều người cho rằng, sự thay đổi này sẽ mở ra nhiều tác động tích cực trong việc phân luồng, nhưng phải cẩn trọng để tránh tiêu cực.
Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật Giáo dục năm 2019. Theo đó, trong trường hợp học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp nhưng không dự thi hoặc thi không đậu thì được hiệu trưởng trường trung học phổ thông cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Giấy chứng nhận này được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học tại các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp khác. Chỉ những học sinh hoàn tất chương trình phổ thông, thi đậu tốt nghiệp mới được Sở GD-ĐT địa phương cấp bằng tốt nghiệp.
Điểm mới này khiến nhiều học sinh phấn khởi vì các em cho rằng đây là cơ hội giúp giảm áp lực thi cử cho nhiều bạn thuộc tốp học lực yếu, kém. Phan Tiểu Phụng, học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Huân ở quận Thủ Đức cho hay: “Có nhiều bạn năng lực không đủ để thi THPT Quốc gia hoặc vì gặp vấn đề nào đó mà kết quả thi không được tốt thì việc được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành việc học cấp 3 có thể giúp các bạn tìm được tạo cơ hội việc làm trong cuộc sống. Điều này giúp tránh việc có bạn phải mất thời gian đi thi lại nhiều lần mà không đạt được kết quả như mong muốn”.
Nhận xét đây là điểm mới giàu tính nhân văn và phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta hiện nay, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt ở quận Tân Phú cho rằng, khi tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” ngày càng tăng, việc tạo hướng tốt cho những học sinh quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp là điều cần thiết chứ không phải cứ tốt nghiệp phổ thông là vào đại học thì mới giỏi. Điều mà các trường phổ thông mong đợi là những hướng dẫn cụ thể để ứng dụng luật vào thực tế hiệu quả nhất.
Ông Bùi Gia Hiếu nói: “Về phía cơ sở phổ thông, điều chúng tôi quan tâm là các giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông này sẽ được cấp phát và sử dụng như thế nào. Thứ hai là các điều kiện kiểm soát ra sao nhằm tránh tình huống giả mạo giấy tờ và quy định về quản lý, lưu trữ hồ sơ. Tôi tin là sau khi Luật Giáo dục đã được Quốc hội thông qua thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này”.
Nhận định đây là sự thay đổi tích cực cho hoạt động phân luồng giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới nhưng ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Huân cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có nhiều giải pháp siết chặt việc cấp và sử dụng giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT thì mới phục vụ đúng mục tiêu mà luật hướng tới.
Khi giá trị của giấy chứng nhận được đánh giá đúng thì bản thân người học sẽ không ảo tưởng và các trường sẽ thận trọng hơn trong quá trình xét tuyển những học sinh thuộc tốp này nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào cho suốt quá trình đào tạo dài lâu.
Ông Phạm Phương Bình phân tích:“Mảng giáo dục nghề nghiệp hiện nay do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phụ trách chính. Như vậy khi thực hiện triển khai với những học sinh không có bằng tốt nghiệp THPT thì các em sẽ sử dụng giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông để tham gia vào hệ thống này.
Khi đó, mức độ sử dụng sẽ như thế nào cho phù hợp nhất. Nếu không kiểm soát kỹ thì rất có thể một số trường sẽ lấy cái giấy chứng nhận hoàn tất chương trình này xem như bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Khi đó, mức độ công bằng với học sinh sẽ không đảm bảo”.
Đại diện nhiều trường THPT tại TP HCM cho rằng, họ đang đợi những hướng dẫn cụ thể Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT để sớm áp dụng nội dung này vào thực tế. Làm sao đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho học sinh, tránh những tổn thất không đáng có./.