Lo ngại tình trạng giải ngân 0 đồng

Từ tháng 4-2024, lo ngại trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành công văn yêu cầu các chủ đầu tư dự án có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 50% đánh giá kỹ lưỡng, nghiêm túc nguyên nhân giải ngân chậm, chấn chỉnh tập thể, cá nhân liên quan đến việc chậm giải ngân.

Số liệu thống kê đến hết ngày 31-1-2024, tình hình giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của tỉnh Quảng Bình là 6.746 tỷ đồng, đạt 78,2%, thấp hơn bình quân cả nước (82,5%).

Vậy nhưng tình hình không chuyển biến, ngày 22-8, UBND tỉnh Quảng Bình lại ban hành văn bản yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, trong đó nghiêm khắc phê bình đích danh 22 đơn vị và chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 là 0%, đồng thời nhắc nhở, chấn chỉnh 20 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân các dự án dưới 30%.

Ảnh minh họa: VGP

Ảnh minh họa: VGP

Giải ngân được 0% có nghĩa là chẳng có đồng vốn nào của Nhà nước được đưa vào nền kinh tế. Điều đó không chỉ cản trở việc tạo ra việc làm, lao động, giá trị và lợi nhuận mà còn dẫn đến hàng loạt hệ lụy khác như suy giảm động lực phát triển, kinh tế bị đình trệ, giảm sức hút đầu tư. Các dự án không được triển khai hoặc kéo dài thời gian thực hiện gây lãng phí tài nguyên, vốn đầu tư và các cơ hội khác.

Điều này cũng có thể dẫn đến việc đội vốn, làm tăng tổng chi phí. Khi không có sự hỗ trợ tài chính từ Nhà nước, doanh nghiệp và người dân có thể mất niềm tin vào các cam kết phát triển kinh tế, dẫn đến giảm sút sự tham gia và đóng góp vào nền kinh tế. Thiếu dòng tiền giải ngân có thể làm chậm tăng trưởng, giảm sức mua và tiêu dùng dẫn đến một vòng xoáy suy giảm kinh tế. Các chương trình an sinh xã hội, y tế, giáo dục không được triển khai hoặc phát triển, dẫn đến hạn chế trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Có lẽ, không một cán bộ nào muốn cơ quan, đơn vị mình rơi vào tình trạng giải ngân 0%. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do quy trình thực hiện các dự án từ lúc triển khai các thủ tục đầu tư đến khi hoàn thành thực hiện rất nhiều thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính được quy định tại nhiều luật. Ví dụ, công trình đường cứu hộ, cứu nạn xã Trường Xuân đi xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025. Đến nay, dự án đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp, tuy nhiên, do thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và công tác thu hồi đất gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Rõ ràng, các vướng mắc về cơ chế, chính sách, về giải quyết thủ tục hành chính là nguyên nhân chủ quan và thuộc về trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước liên quan trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Tình trạng giải ngân 0 đồng như ở tỉnh Quảng Bình đang xảy ra tại nhiều địa phương, bộ, ngành cũng với các nguyên nhân tương tự. Cần có một hệ thống giải pháp để giải quyết vấn đề này một cách đồng bộ, triệt để, mà trong đó cải cách và hiện đại hóa thủ tục hành chính là yếu tố quan trọng hàng đầu.

TRẦN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lo-ngai-tinh-trang-giai-ngan-0-dong-791495