Lo ngại trước viễn cảnh phân cực, Fiji mong cạnh tranh Mỹ-Trung không phá vỡ hòa bình
Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka hôm 25/8 nhận định rằng, Thái Bình Dương nên là một 'khu vực hòa bình', theo đó bày tỏ hy vọng cuộc cạnh tranh giữa Mỹ-Trung Quốc không phát triển thành xung đột quân sự.
Thủ tướng Rabuka đưa ra tuyên bố trên sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm mũi nhọn Melanesian (MSG) - với trọng tâm chương trình nghị sự là vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh khu vực.
MSG là tổ chức liên chính phủ, bao gồm 4 quốc gia vùng Melanesia là Fiji, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Vanuatu, cùng Đảng Mặt trận Giải phóng Quốc gia Xã hội chủ nghĩa Kanak (FLNKS) của New Caledonia.
Các nhà lãnh đạo của Nhóm mũi nhọn Melanesian vẫn chưa thông báo nội dung tuyên bố chung về an ninh khu vực đã được ký kết tại hội nghị, song ông Rabuka tiết lộ rằng, các cuộc trao đổi tập trung vào cạnh tranh Mỹ-Trung trong khu vực.
Nhà lãnh đạo Fiji cho biết: “Họ (Mỹ và Trung Quốc) đang cố gắng phân cực Thái Bình Dương thành phe của riêng họ, vì vậy chúng tôi phải chắc chắn về điều chúng tôi phải làm. Chúng tôi cũng tập trung đến nhu cầu chung của Thái Bình Dương là một khu vực hòa bình, một khu vực không liên kết”.
Đồng thời, ông Rabuka hy vọng cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ không phát triển thành xung đột quân sự hoặc dẫn đến việc tăng cường lực lượng hay vũ trang trong khu vực.
Theo ông, các quốc gia với vị trí chiến lược ở Nam Thái Bình Dương và từng có vai trò then chốt trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, một lần nữa lại là trung tâm của cuộc cạnh tranh địa chính trị: Quần đảo Solomon có hiệp ước an ninh với Trung Quốc, Papua New Guinea ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ.
Tuần trước, Fiji đã đồng chủ trì một hội nghị chỉ huy quốc phòng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với Mỹ, trong đó có Trung Quốc tham dự.